* Huyện Đan Phượng: 30/30 trường học có bếp ăn không xảy ra ngộ độc tập thể
Trong năm học qua, tại huyện Đan Phượng, các cơ quan chức năng đã thẩm định, đánh giá 21 cơ sở cung cấp thực phẩm, suất ăn sẵn, nước uống đóng bình, chai, sản phẩm từ sữa; kiểm tra, giám sát 30/30 trường học có bếp ăn đều không xảy ra ngộ độc tập thể...
Sáng 29-8, UBND huyện Đan Phượng tổ chức hội nghị chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn huyện”. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Thị Hồng; các thành viên Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện; lãnh đạo UBND, trưởng công an các xã, thị trấn; đại diện Ban giám hiệu, nhân viên y tế, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh các trường học công lập trên địa bàn...
Theo báo cáo của Phòng Y tế huyện, năm học 2023-2024, trên địa bàn huyện có 55 trường học công lập, trong đó, mầm non 19 trường, tiểu học 20 trường, trung học cơ sở 16 trường; 40.006 học sinh và 2.623 cán bộ, giáo viên.
Hệ thống bếp ăn tập thể của các trường công lập có tổ chức ăn bán trú đều được bố trí trang thiết bị, dụng cụ, cơ sở vật chất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đáp ứng cung cấp suất ăn cho gần 35.000 học sinh; 100% cơ sở giáo dục đều ký cam kết, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm...
Trong năm học, các cơ quan chức năng đã tổ chức thẩm định và đánh giá 21 cơ sở cung cấp thực phẩm, suất ăn sẵn, nước uống đóng bình, chai, các sản phẩm từ sữa. Qua kiểm tra, giám sát, 30/30 trường học có bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội trao đổi kinh nghiệm, giải pháp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Thị Hồng nhấn mạnh: Trong những năm qua, công tác an toàn thực phẩm luôn được huyện, các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo thông qua hoạt động thông tin tuyên truyền, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các bếp ăn tập thể trường học, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc và nhiều mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm được triển khai hiệu quả.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho các trường học trên địa bàn huyện năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Thị Hồng đề nghị các phòng, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn, trường học đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định; xử lý nghiêm và công khai tên cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với các điểm bán hàng ăn uống lưu động, sạp bán hàng rong tại các trường, khu vực xung quanh cổng trường học, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện giao Ban Chỉ đạo 197 huyện, các xã, thị trấn triển khai dẹp bỏ, nhằm bảo đảm an ninh ngoài trường học và an toàn thực phẩm cho học sinh. Các ngành, địa phương: Y tế, giáo dục và UBND các xã, thị trấn cung cấp đường dây nóng phản ánh sự cố mất an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học để có biện pháp xử lý kịp thời.
(https://hanoimoi.vn/huyen-dan-phuong-30-30-truong-hoc-co-bep-an-khong-xay-ra-ngo-doc-tap-the-676226.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Hà Nội kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-trong-va-xung-quanh-cong-truong-hoc.html)
* Hạn chế chuyển bệnh nhân sởi lên tuyến trên
Làm việc với Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch sởi vào chiều 29/8, Sở Y tế và UBND TPHCM kiến nghị các biện pháp để giảm chuyển tuyến dễ gây quá tải và lây lan dịch.
Thông tin về hoạt động công tác phòng chống dịch tại TPHCM, TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện số ca mắc sởi tại thành phố đang gia tăng hàng ngày.
Đơn cử, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, trước 6/2024 không ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc sởi. Tuy nhiên, từ tháng 7 số bệnh nhân đến khám và nhập viện do sởi tăng rất cao, tăng cao nhất là từ đầu tháng 8 đến nay.
Hiện thành phố ghi nhận 432 ca, trong đó đã có 3 ca tử vong liên quan đến sởi là những trẻ có bệnh bẩm sinh. Bệnh nhân từ tỉnh chiếm 55,8% số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của thành phố.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng kiến nghị, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh thành khác tăng cường công tác điều trị tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến lên bệnh viện tuyến trên. Do hiện nay việc chuyển tuyến sẽ dễ lây lan bệnh sởi và quá tải các bệnh viện.
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM đồng quan điểm với Sở Y tế, ông cho rằng bên cạnh chiến dịch tiêm vaccine sởi, cần giảm áp các bệnh nhi từ tuyến dưới lên để tránh quá tải. Kiểm soát phòng chống dịch ngay trong bệnh viện để chống lây lan.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Diệu Thuý - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hầu hết các ca sởi điều trị trên địa bàn đều đến từ các quận huyện vùng ven và các tỉnh thành. Do đó, Bộ Y tế cũng nên tổ chức tiêm vaccine sởi cho các tỉnh thành lân cận để giảm áp lực cho thành phố, từ đó kiểm soát dịch tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá rất cao sự sẵn sàng trong công tác phòng chống dịch và rất yên tâm với kế hoạch ứng phó dịch bệnh của thành phố.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đoàn cũng nhận thấy thành phố gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch như biến động dân cư; số lượng dân đông với nhiều khu công nghiệp, nhà trọ; tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng còn thấp, trong khi đó thời gian ủ bệnh của bệnh sởi kéo dài.
Từ những yếu điểm trên, bà Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, nếu không giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ sẽ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được dịch bệnh một cách triệt để.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, trong thời gian tới thành phố tiếp tục tập trung vào các biện pháp phòng chống dịch; chỉ đạo chính quyền các địa phương vào cuộc để kiểm soát được dịch trong thời gian ngắn nhất.
(https://daidoanket.vn/han-che-chuyen-benh-nhan-soi-len-tuyen-tren-10289041.html)
*Quỹ Bảo hiểm y tế kết dư 40.000 tỷ đồng
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, riêng 3 năm 2020-2022, quỹ Bảo hiểm y tế có kết dư lớn, trên 33.000 tỷ đồng, là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Như vậy, đến hết năm 2023, quỹ kết dư 40.000 tỷ đồng.
Ngày 29/8 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị xin ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao...
Một số quy định của luật không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, một số nội dung mới phát sinh trong thực tiễn triển khai.
Dự thảo lần này tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, đã rõ, có sự đồng thuận cao, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định khác cũng như tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc, khó khăn.
Quỹ BHYT kết dư lớn, số thu của quỹ tăng qua các năm
Ông Nguyễn Tất Thao, Phó trưởng ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết, chỉ riêng trong 3 năm 2020-2022, quỹ BHYT có kết dư lớn, trên 33.000 tỷ đồng, là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số lượt khám giảm mạnh và thiếu thuốc, vật tư nên chi trả giảm. Như vậy, đến hết năm 2023, quỹ BHYT kết dư 40.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, nếu kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế thì sẽ tăng chi khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Nếu kết cấu các chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định vào giá dịch vụ y tế thì quỹ BHYT sẽ tăng chi từ khoảng 67.000 tỷ đồng. Vì thế, Bộ Y tế cân nhắc về cân đối thu - chi khi mở rộng quyền lợi người bệnh BHYT.
ThS Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), cho biết thêm, số thu BHYT tăng qua các năm, năm 2020 chúng ta thu 25.000 tỷ đồng thì đến nay số thu ước 126.000 tỷ đồng/năm. Từ ngày 1/7, mức lương cơ bản tăng lên, vì thế từ ngày 1/7 và năm 2025 trở đi, số thu tăng lên.
"Dù vậy, chúng ta phải đối mặt nhiều vấn đề như giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ, nhiều vấn đề phạm vi chi trả chưa hướng tới, nhiều nhóm thuốc dịch vụ y tế chưa được thanh toán 100%. Nhưng cũng không thể thấy số thu tăng mà mở rộng thoải mái danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật được BHYT chi trả", bà Trang nói.
Bên cạnh đó, do thông tuyến tỉnh nên lượng khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh tăng, tỷ lệ nhập viện cũng tăng. Đây là một khó khăn, vì kéo theo đó tỷ lệ khám, sử dụng danh mục thuốc của trạm y tế giảm. Điều này đòi hỏi chúng ta cần điều chỉnh chính sách tương ứng.
Mở rộng quyền lợi nhưng vẫn phải đảm bảo cân đối quỹ
Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh, đồng thời, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, bảo đảm thống nhất với luật, quy định khác. Việc thiết kế quyền lợi đi kèm phải tính tới đối tượng tham gia BHYT có thay đổi, chuyển động.
"Việc điều chỉnh một số phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng và yêu cầu chăm sóc sức khỏe là bài toán vô cùng khó khăn. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung lần này chỉ điều chỉnh một số mà không làm tăng bất thường quỹ BHYT, sau này chúng ta sẽ điều chỉnh căn cơ toàn diện", bà Trang nhấn mạnh.
Vì thế, dự thảo lần này đã bỏ đề xuất mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B.
Dự thảo đề xuất thêm các quyền lợi cho người bệnh, trong đó có nội dung cơ bản như người bệnh khám chữa bệnh BHYT khi điều trị tại tuyến trung ương, tỉnh khi về y tế tuyến huyện vẫn được hưởng nguyên quyền lợi về thuốc như tuyến trên. Dự thảo cũng đề xuất cắt giảm thủ tục chuyển tuyến điều trị.
Về vấn đề người bệnh BHYT phải tự mua thuốc, vật tư y tế do bệnh viện công không cung ứng đủ, dự thảo đề xuất các bệnh viện sẽ thanh toán cho người bệnh, sau đó, các chi phí này sẽ được quỹ BHYT thanh toán với bệnh viện.
(https://dantri.com.vn/suc-khoe/quy-bao-hiem-y-te-ket-du-40000-ty-dong-20240830074705181.htm)
Cùng nội dung thông tin:
* Quyền lợi của người tham gia BHYT được đề xuất mở rộng thế nào?
(https://suckhoedoisong.vn/quyen-loi-cua-nguoi-tham-gia-bhyt-duoc-de-xuat-mo-rong-the-nao-169240829193842098.htm)
* Nâng cấp Bệnh viện đa khoa Thạch Thất lên 500 giường
Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội quyết định xây dựng, nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất lên 500 giường.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Vũ Thu Hà vừa ký Quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, tại xã Kim Quan, huyện Thạch Thất.
Theo quyết định, dự án xây dựng bệnh viện đa khoa với quy mô 500 giường (350 giường xây mới và 150 giường cải tạo) đạt tiêu chí bệnh viện đa khoa hạng II theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT về việc ban hành quy chế bệnh viện của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bệnh viện có 29 chuyên khoa và 6 phòng chức năng, với cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị tiên tiến, đội ngũ y bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, chất lượng phục vụ chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đây là dự án Nhóm B, công trình dân dụng, cấp I do UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư xây dựng gồm đầu tư xây dựng mới và cải tạo các hạng mục công trình như nhà khoa ngoại 2 tầng; Nhà khoa hồi sức cấp cứu 2 tầng; Nhà hội trường 2 tầng; Nhà khoa nội 2 tầng.
Nhà khoa nhi 2 tầng; Nhà khoa dinh dưỡng và hệ thống thu gom chất thải lỏng 2 tầng; Khu nhà kỹ thuật nghiệp vụ – Nhà C cao 6 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 17.442 m2; Khu nhà điều trị nội trú – Nhà D cao 7 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 20.712m2.
Cải tạo Khu hành chính – Nhà A cao 06 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7.317m2; Khu nhà truyền nhiễm – Nhà B cao 2 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.490m2; Khu nhà Đại Thể – Nhà E cao 01 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 234m2; Đầu tư mua sắm, lắp đặt đồng bộ trang thiết bị y tế, hệ thống phòng cháy chữa cháy...
UBND TP. Hà Nội giao chủ đầu tư - UBND huyện Thạch Thất chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập dự án.
Tổ chức lập, trình thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tối ưu về kinh tế, kỹ thuật công trình, tiết kiệm, hiệu quả; không để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn đầu tư.
Tổ chức quản lý dự án và lựa chọn nhà thầu thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố Hà Nội về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu. Thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư và phối hợp thực hiện giám sát cộng đồng theo quy định hiện hành.
Sở Y tế hướng dẫn chủ đầu tư và Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất trong công tác lựa chọn trang thiết bị phù hợp với tiêu chuẩn, định mức của ngành, mục tiêu đầu tư và triển khai các nội dung khác của dự án theo quy định; Hoàn thiện đề án vị trí việc làm và có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân theo đúng lộ trình, kế hoạch phát triển của bệnh viện...
(https://laodong.vn/y-te/nang-cap-benh-vien-da-khoa-thach-that-len-500-giuong-1386494.ldo)