* Hà Nội siết chặt quản lý cơ sở hành nghề y, dược tư nhân: Đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu
Bài cuối: Cần sửa đổi quy định để nâng cao hiệu quả quản lý
Từ những bất cập trong quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã kiến nghị, đề xuất với Trung ương, UBND thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã nhiều giải pháp. Trong đó, kiến nghị cần bổ sung, sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cho phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới và sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Tăng mức xử phạt cơ sở spa, dịch vụ thẩm mỹ vi phạm
Tại các buổi giám sát của Thường trực HĐND thành phố, trước những bất cập, khó khăn trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân, các quận, huyện, thị xã đã kiến nghị, đề xuất những giải pháp từ thực tiễn cơ sở. Trong đó, UBND quận Cầu Giấy đề nghị Bộ Y tế thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật để thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân. Cụ thể, khung xử phạt hành vi được quy định tại Khoản 6, Điều 40 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (ngày 28-9-2020) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế đối với các cơ sở spa, dịch vụ thẩm mỹ vi phạm, mức 20-30 triệu đồng là quá thấp, không đủ tính răn đe, đề nghị mức tăng mức xử phạt cao hơn (mức 40-50 triệu đồng).
Còn theo UBND huyện Đông Anh, cần bổ sung các quy định xử phạt liên quan đến giấy phép hoạt động và giấy phép hành nghề (đã có thời hạn), cập nhật kiến thức y khoa, kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử, khám, chữa bệnh từ xa…
Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Hoàng Thị Tú Anh cho rằng, cần phải tăng cường quản lý những dịch vụ thẩm mỹ viện, chăm sóc da… bởi thực tiễn đã xảy ra vụ việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, các quận: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Tây Hồ cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế xem xét đưa loại hình cung cấp dịch vụ thẩm mỹ (thẩm mỹ viện, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp, spa,...) vào loại hình kinh doanh có điều kiện cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cấp phép do cung cấp dịch vụ có liên quan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Sớm hoàn thiện phần mềm quản lý sức khỏe dùng chung
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên, sau giám sát, Thường trực HĐND thành phố đã kiến nghị với Bộ Y tế sớm hoàn thiện phần mềm quản lý sức khỏe dùng chung toàn quốc để quản lý hệ thống thông tin y tế và thực hiện quản lý sức khỏe toàn dân; liên thông dữ liệu quốc gia về y tế giữa các tuyến từ trung ương tới địa phương và giữa các cơ sở y tế. Bộ Y tế có hướng dẫn về công tác quản lý nhà nước đối với thẩm mỹ viện, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp, spa…, xem xét đưa các dịch vụ này vào loại hình kinh doanh có điều kiện.
Đối với UBND thành phố, Thường trực HĐND thành phố đề nghị chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với các phòng khám chuyên khoa, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dược, nhà thuốc… UBND thành phố cũng cần chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và giữa cấp thành phố với quận, huyện, thị xã trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, tránh sự chồng chéo, trùng lắp, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt là tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài, người nước ngoài hành nghề tại các cơ sở y, dược tư nhân.
Đối với giải pháp về nhân lực, Thường trực HĐND thành phố đề nghị, UBND thành phố chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách, xem xét bổ sung biên chế, nguồn nhân lực bảo đảm bộ máy đáp ứng công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân ngày càng phát triển trên địa bàn thành phố. Căn cứ các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi), UBND thành phố chỉ đạo xây dựng tiêu chí cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại trong lĩnh vực y tế thuộc phạm vi quản lý của thành phố; tham mưu xây dựng chế độ, chính sách về nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong đó có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập.
Đối với Sở Y tế, cần công khai các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động, cơ sở ngừng hoạt động, cơ sở vi phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, lựa chọn và cùng theo dõi, giám sát. Sở cũng cần tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin cho nhân dân để cảnh giác, không sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh trái phép hoặc hoạt động quá phạm vi chuyên môn cho phép, không bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Thường trực HĐND thành phố cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhân dân đối với công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý; phân công rõ trách nhiệm đối với từng cấp, từng ngành; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị.
Rõ ràng, thông qua đợt giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã giúp các ngành, địa phương nhìn nhận lại những mặt được và còn hạn chế trong công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân. Từ đó, các bên cùng thống nhất về những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, tháo gỡ khó khăn, phát huy hết tiềm năng của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.
https://hanoimoi.vn/ha-noi-siet-chat-quan-ly-co-so-hanh-nghe-y-duoc-tu-nhan-dat-suc-khoe-cua-nguoi-dan-len-hang-dau-bai-cuoi-can-sua-doi-quy-dinh-de-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-679644.html
* Kiểm soát an toàn thực phẩm: Từ mô hình đến thực tế
Hiện nay, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng, triển khai hiệu quả nhiều mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm.
Việc này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh và ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm.
Giám sát chất lượng từ khâu sản xuất
Để tăng cường công tác quản lý thức ăn đường phố, nâng cao ý thức của người dân về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ năm 2018, thành phố Hà Nội đưa vào triển khai thí điểm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 8 quận, huyện, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ, Đan Phượng, với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Đến nay, sau 6 năm triển khai, thành phố đã xây dựng và duy trì được 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận, huyện và có tới 873 cơ sở kinh doanh tham gia.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, các mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý an toàn thực phẩm; nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm đối với người bán hàng.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị xã không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do các xã, phường trên địa bàn thực hiện tốt việc kiểm soát. Ngoài ra, thị xã triển khai hiệu quả mô hình, đề án an toàn thực phẩm, được người dân ủng hộ. Chẳng hạn như: Mô hình “Khu đô thị tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm” tại Khu đô thị HUD - Sơn Tây, phường Trung Hưng; mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 9 phường; bảo đảm an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 2 tuyến phố là phố Đinh Tiên Hoàng (phường Ngô Quyền) và phố Phú Hà (phường Phú Thịnh); duy trì kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người tại 15 xã, phường… Phần lớn cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố tại các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát đều có vật dụng như: Găng tay, dụng cụ gắp thức ăn để bảo đảm vệ sinh. Các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố bắt buộc phải có hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm bảo đảm điều kiện về an toàn theo quy định.
Chị Nguyễn Đỗ Phương Thu (thị xã Sơn Tây) cho biết, hiện nay trên địa bàn thị xã triển khai các tuyến phố an toàn thực phẩm đã tạo địa chỉ an toàn cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ăn uống, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh đẹp của tuyến phố đối với người tiêu dùng.
Tương tự, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, huyện Thanh Trì cũng thực hiện mô hình tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát. Theo đó, huyện yêu cầu các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên các tuyến phố thực hiện biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm. Các đơn vị trên địa bàn huyện phải tham gia duy trì tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát; tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm tại tuyến phố. Trung tâm Y tế huyện hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố thực hiện đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm...
Nhân rộng các mô hình
Để phát huy hiệu quả mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, theo Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường, thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm tại các tuyến phố; nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kiên quyết xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường tập huấn, phổ biến, tư vấn cho người quản lý, người chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc đối tượng quản lý trên địa bàn về kiến thức, an toàn thực phẩm. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các tuyến phố cần đầu tư đủ nguồn lực, chủ động chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp với việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống các sự cố về an toàn thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, Chi cục tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, các ban, ngành trên địa bàn tổ chức tập huấn cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, người tiêu dùng về sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các địa phương tiếp tục xây dựng thêm nhiều tuyến phố đạt chuẩn “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện bảo đảm biện pháp an toàn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Việc xây dựng các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát góp phần quan trọng đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống ở các địa phương đi vào nền nếp. Điều này giúp người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng hơn khi sử dụng thực phẩm.
https://hanoimoi.vn/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-tu-mo-hinh-den-thuc-te-679565.html
* Quận Bắc Từ Liêm tập huấn ATTP cho các trường học có bếp ăn tập thể
Ngày 29/9, UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) cho các trường học có bếp ăn tập thể.
Theo đó, có 600 học viên là người lãnh đạo quản lý, người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm và tổ giám sát ATTP tại bếp ăn căng tin trường học cho các khối mầm non công lập, tư thục; tiểu học; THCS; trường liên cấp trên địa bàn quận tham gia tập huấn.
Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thuận cho biết, hội nghị tập huấn nhằm mục đích tăng cường kiến thức ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cán bộ quản lý, người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, tổ giám sát ATTP tại bếp ăn, căng tin trường học trên địa bàn quận.
Thông qua tập huấn để nâng cao nhận thức, thực hành đúng về ATTP của người quản lý, người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm. Đây cũng là hoạt động nhằm tăng cường vai trò của cán bộ quản lý, giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp cơ quan quản lý Nhà nước về việc đảm bảo ATTP trong nhà trường.
Ngoài ra, qua các buổi tập huấn, các cơ sở giáo dục sẽ hạn chế bệnh lây truyền qua thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn trường học trên địa bàn quận.
Tại hội nghị tập huấn, đại diện các trường học đã được chuyên viên Nguyễn Thanh Thủy – Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội truyền đạt, trao đổi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế về công tác ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học để áp dụng trong quá trình cung cấp, sử dụng bếp ăn tập thể và cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh.
Đó là các nội dung:
Một số nội dung chính của Luật ATTP năm 2010;
Quyết định 1246/QĐ- BYT ngày 31/3/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”;
Các mối nguy ô nhiễm vào thực phẩm;
Các kiến thức cơ bản về phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm;
Hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, không sử dụng những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn;
Phổ biến các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với bếp ăn tập thể, căng tin trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu thực phẩm.
Hướng dẫn tổ giám sát ATTP cách hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, căng tin trường học, cơ sở cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm.
Một số quy định pháp luật liên quan đến cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.
Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, bếp ăn tập thể trường học cần đảm bảo ATTP trong suốt chuỗi cung cấp thức ăn (sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể).
Các trường nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho người quản lý, chế biến thức ăn và cho người tiêu dùng tại bếp ăn tập thể; kiểm tra, giám sát ATTP thường xuyên trong chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể.
“Xác định nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng, các nhà trường cần ký hợp đồng nhập thực phẩm từ các cơ sở cung ứng thực phẩm, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP, cơ sở áp dụng "Thực hành nông nghiệp tốt - GAP"; Viet GAP, cơ sở kinh doanh đủ điều kiện ATTP. Ngoài ra, việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm tại nơi sản xuất vùng nguyên liệu (vùng trồng trọt và chăn nuôi) là rất quan trọng” - đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh.
https://kinhtedothi.vn/quan-bac-tu-liem-tap-huan-attp-cho-cac-truong-hoc-co-bep-an-tap-the.html