* Đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân Thủ đô
Với sự đầu tư của UBND thành phố Hà Nội, chính quyền các cấp, cùng nỗ lực của các đơn vị y tế, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân không ngừng được cải thiện, qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân Thủ đô.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong sáu tháng đầu năm 2024, các cơ sở y tế đã thực hiện hơn 4,1 triệu lượt khám, chữa bệnh cho người dân; công suất sử dụng giường bệnh theo kế hoạch đạt 90%; tổng số lượt điều trị nội trú tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khối các bệnh viện, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đã thực hiện khám, chữa bệnh cho hơn 1,3 triệu lượt người bệnh trên địa bàn mình phụ trách.
Đáng chú ý, hiện ngành y tế Hà Nội duy trì tốt các hoạt động sàng lọc, khám phát hiện, quản lý điều trị các bệnh: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường tại các cơ sở y tế. Toàn ngành phát hiện mới được hơn 46 nghìn người tiền tăng huyết áp; gần 13 nghìn người tăng huyết áp và hiện có hơn 370 nghìn người bệnh đang được quản lý, điều trị (đạt tỷ lệ 96,6%). Tổng số người bệnh đái tháo đường được quản lý, điều trị gần 119 nghìn người (đạt tỷ lệ 96,5%); gần 12 nghìn người thừa cân béo phì được tư vấn kiểm soát và khoảng 25 nghìn người nguy cơ tim mạch được tư vấn điều trị dự phòng... Nhờ sự đầu tư nâng cấp y tế cơ sở từ nguồn ngân sách thành phố, đến nay đã có 573 trong tổng số 579 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã (đạt tỷ lệ 98,9%).
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết: Trước nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, ngành y tế đã tham mưu thành phố xây dựng và ban hành “Đề án nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội đến năm 2030”, với mục tiêu phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe theo vùng và theo các cấp khám bệnh, chữa bệnh được phân công như: Ban đầu, cơ bản, chuyên sâu và chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Bốn bệnh viện đảm nhận chức năng vùng gồm: Tim Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Phụ sản Hà Nội và Đa khoa Xanh Pôn; đồng thời phát triển các bệnh viện đa khoa hạng I, bệnh viện chuyên khoa đáp ứng khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu; phát triển các bệnh viện đa khoa hạng II đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản theo quy định Bộ Y tế. Ngành phát triển các phòng khám đa khoa và trạm y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu; tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân; phát triển nguồn nhân lực y tế đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức, với cơ cấu và phân bố hợp lý.
Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng hệ thống y tế thông minh năm 2024, triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố; kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa, 297 trạm y tế, với hơn 3,5 triệu hồ sơ đã được đẩy thành công lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID. Hiện đã có hơn 16,2 triệu lượt khám, chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh lên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe thành phố.
Để làm tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cần làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm, các bệnh có thể dự phòng vắc-xin như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bạch hầu... không để bùng phát, lây lan tại cộng đồng. Với các đơn vị y tế cần tập trung giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng; cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch.
Các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội đến năm 2030”, với các mục tiêu đề án đã đề ra; triển khai và nhân rộng có hiệu quả mô hình “Bệnh viện chị-em” để hỗ trợ chuyên môn giữa các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý điều hành, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị; hoàn thành triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử; kết nối, liên thông làm giàu dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử; mở rộng triển khai bệnh án điện tử đến toàn bộ các cơ sở y tế, kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và với hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố...
Báo Nhân dân
(https://nhandan.vn/dap-ung-nhu-cau-kham-chua-benh-cho-nguoi-dan-thu-do-post822563.html)
* Hà Nội giám sát an toàn thực phẩm 16.572 bữa cỗ tập trung đông người
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện TP có 72.671 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố (giảm 4.136 cơ sở so với cùng kỳ năm 2023) trên toàn TP.
Trong đó, ngành y tế quản lý 39.882 cơ sở (tuyến TP: 4.736 cơ sở; quận, huyện, thị xã: 9.227 cơ sở; xã, phường, thị trấn: 25.919 cơ sở).
Thời gian qua, Hà Nội đã duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 100% các phường, thị trấn trên địa bàn TP, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát 5.820/5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (chiếm tỷ lệ 100%). Trong đó, kiểm tra 408 cơ sở tại các lễ hội, hội chợ, triển lãm, 1.489 cơ sở tại khu du lịch, 1.390 cơ sở tại các điểm công cộng (vỉa hè, bến xe, nhà ga…), 2.533 cơ sở bán hàng rong. Tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chí theo quy định 83,7 % (4.872 cơ sở).
Cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát 35.146/35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống (tỷ lệ 100 %). Tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chí theo quy định 84,5%.
TP đã duy trì mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn năm 2024 với 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã.
Từ đầu năm đến nay, các đoàn đã giám sát, tư vấn 16.572 bữa cỗ, hướng dẫn thực hiện các quy định về ATTP tại các gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người và được ký cam kết về ATTP đạt 100%.
Hà Nội cũng duy trì và nhân rộng mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường học cấp tiểu học tại 15 quận, huyện, thị xã với 324 trường. Từ đầu năm 2024 đến nay, cấp TP đã tổ chức 1 đợt giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 15 bếp ăn tập thể trường tiểu học và 10 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu cho bếp ăn tập thể trường tiểu học tại 15 quận, huyện, thị xã triển khai mô hình “Kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường học”.
Tuyến quận, huyện đã kiểm tra, giám sát 324 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 298 cơ sở, chiếm tỷ lệ 91,9%.
Ngoài ra, TP cũng đã triển khai thí điểm mô hình kiểm soát ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học thuộc hai phường Tràng Tiền và phường Hàng Trống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Qua rà soát, thống kê, hiện tại phường Tràng Tiền và phường Hàng Trống có 21 nhà hàng; 3 khách sạn; 52 cửa hàng ăn uống; 24 cơ sở thức ăn đường phố; 5 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Trong đó, 67/73 cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP còn hiệu lực; 32/32 cơ sở ký cam kết ATTP.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát được 65/105 cơ sở; tỷ lệ đạt theo các tiêu chí là 89,2% (58/65 cơ sở); phạt tiền 1 cơ sở/2 triệu đồng; nhắc nhở tại chỗ 3 cơ sở; xét nghiệm nhanh đạt 103/108 mẫu (tỷ lệ 95,4%).
Báo Kinh tế đô thị
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-giam-sat-an-toan-thuc-pham-16-572-bua-co-tap-trung-dong-nguoi.html)
* 10 người bị phơi nhiễm với 3 con chó dại ở Sóc Sơn đều đã tiêm phòng, lo ngại dịch còn phức tạp
Trong tuần vừa qua, số mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội đều tăng, ngoài ra còn xuất hiện 3 ổ dịch bệnh dại ở Sóc Sơn khiến 10 người bị phơi nhiễm…
Ngày 5-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 26-7 đến ngày 2-8), toàn thành phố ghi nhận 171 ca mắc Sốt xuất huyết (SXH).
Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân gồm: xã Phương Đình, Đồng Tháp, Tân Hội (huyện Đan Phượng); phường Dương Nội (quận Hà Đông); xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất); xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ)…
Trong tuần ghi nhận 8 ổ dịch SXH tại Đan Phượng, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Quốc Oai. Hiện toàn thành phố còn 20 ổ dịch SXH đang hoạt động.
Về các dịch bệnh khác, tuần qua, Hà Nội ghi nhận 40 ca mắc tay chân miệng, tăng 12 ca so với tuần trước. Đáng chú ý, trong tuần ghi nhận 02 ổ dịch tại xã Nam Hồng (Đông Anh) và phường Trần Phú (Hoàng Mai). Hà Nội cũng ghi nhận thêm 10 ca mắc ho gà; 01 ca mắc liên cầu lợn …
Đặc biệt, từ ngày 25 đến 30-7 trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã ghi nhận 03 ổ dịch Dại trên chó liên quan 03 xã Minh Phú, Hiền Ninh, Thanh Xuân. Ghi nhận 10 người phơi nhiễm với 03 con chó Dại, các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine phòng Dại và huyết thanh kháng Dại theo đúng quy định, tiếp tục theo dõi sức khỏe.
CDC Hà Nội nhận định, tình hình bệnh Dại đang có diễn biến phức tạp trên động vật. Riêng tại huyện Sóc Sơn từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 06 ổ dịch Dại trên chó.
Về công tác phòng chống dịch tại các địa phương bị ngập lụt, CDC Hà Nội thực hiện giám sát công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại 7 xã thuộc 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức.
Các hộ gia đình khu vực ngập lụt hiện đang được cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên đường làng ngõ xóm, nước rút đến đâu vệ sinh tới đó…
Báo An ninh thủ đô
(https://www.anninhthudo.vn/10-nguoi-bi-phoi-nhiem-voi-3-con-cho-dai-o-soc-son-deu-da-tiem-phong-lo-ngai-dich-con-phuc-tap-post585068.antd)
Cùng nội dung thông tin:
*Hà Nội thêm 3 ổ dịch dại trên chó, 10 người phơi nhiễm
(https://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-them-3-o-dich-dai-tren-cho-10-nguoi-phoi-nhiem-20240805084523421.htm)
* Gia hạn, cấp mới thêm hơn 700 loại thuốc phục vụ người bệnh
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với 700 loại thuốc sản xuất trong nước; cấp mới giấy đăng ký lưu hành 41 thuốc và cấp mới, gia hạn 21 giấy đăng ký lưu hành vắc-xin, sinh phẩm y tế.
Như vậy, tổng số thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế được Cục Quản lý Dược cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành là 762 loại.
Trong số 700 loại thuốc được gia hạn, có 479 loại gia hạn trong 5 năm, 193 loại gia hạn trong 3 năm và 28 loại thuốc còn lại được gia hạn đến ngày 31/12/2025.
Trong số 41 loại thuốc cấp mới giấy đăng ký lưu hành có 40 loại cấp mới trong 5 năm, 1 loại còn lại cấp mới trong 3 năm.
Trong số 27 vắc-xin, sinh phẩm được cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành có 15 loại được gia hạn, cấp mới trong 5 năm; 12 loại được gia hạn, cấp mới trong 3 năm.
Hơn 700 sản phẩm thuốc, vắc-xin, sinh phẩm y tế được cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành lần này khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý... để phục vụ nhu cầu sử dụng thuốc, vắc-xin của nhân dân và đấu thầu, mua sắm.
Trước đó, Bộ Y tế vừa gia hạn 626 loại thuốc, trong đó có 425 loại gia hạn trong 5 năm, 156 loại gia hạn trong 3 năm và 45 loại gia hạn đến 31/12/2025.
Các loại thuốc, biệt dược gốc được gia hạn số đăng ký thời gian qua khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vắc-xin, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.
Theo Cục Quản lý Dược, tính đến tháng 5/2024 cơ quan này đã giải quyết 666 hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu thuốc, 3.641 hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu, bao bì, vỏ nang; công bố 14 đợt gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành 13.202 thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo Nghị quyết 80 của Quốc hội. Qua đó, duy trì trên 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại.
Bộ Y tế yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.
Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định.
Đồng thời, cập nhật nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong thời hạn 6 tháng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở điều trị, để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người và tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Cơ sở đăng ký thuốc phải bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ sở đăng ký không còn đủ điều kiện hoạt động.
Cơ sở sản xuất thuốc phải bảo đảm các điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Báo Đầu tư
(https://baodautu.vn/gia-han-cap-moi-them-hon-700-loai-thuoc-phuc-vu-nguoi-benh-d221626.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Gần 800 loại thuốc và vaccine được gia hạn, cấp mới giấy đăng ký lưu hành
(https://www.vietnamplus.vn/gan-800-loai-thuoc-va-vaccine-duoc-gia-han-cap-moi-giay-dang-ky-luu-hanh-post968746.vnp)
* Bộ Y tế gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 700 thuốc sản xuất trong nước
(https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bo-y-te-gia-han-giay-dang-ky-luu-hanh-cho-700-thuoc-san-xuat-trong-nuoc-390282.html)
* Thêm gần 800 thuốc, vaccine, sinh phẩm được Bộ Y tế gia hạn, cấp mới giấy đăng ký lưu hành
(https://suckhoedoisong.vn/them-gan-800-thuoc-vaccine-sinh-pham-duoc-bo-y-te-gia-han-cap-moi-giay-dang-ky-luu-hanh-169240804162812364.htm)