*Hà Nội ghi nhận một ca tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Theo Sở Y tế Hà Nội, TP ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn tại huyện Quốc Oai. Đó là nữ bệnh nhân 86 tuổi, khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, lơ mơ... Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103.
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú và xét nghiệm cấy máu, dịch não tủy. Kết quả, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis). Dù được điều trị tích cực nhưng do tuổi cao, bệnh nặng nên bệnh nhân đã không qua khỏi.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 7 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 6 ca và số ca tử vong tương đương.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng.
CDC Hà Nội cảnh báo, người dân ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn chưa nấu chín, như: tiết canh, nem chua, nem chạo... dễ mắc liên cầu khuẩn lợn. Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da. Bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vaccine phòng nên việc ăn chín uống sôi rất quan trọng.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết; nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.
Ngoài ra, người dân cũng cần bỏ các thói quen ăn uống không lành mạnh như tiết canh (kể cả tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt). Khi có các triệu chứng của bệnh, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.
Báo Kinh tế đô thị
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ghi-nhan-mot-ca-tu-vong-do-nhiem-lien-cau-khuan-lon.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Người đầu tiên ở Hà Nội tử vong vì liên cầu lợn năm 2024
(https://vietnamnet.vn/di-cap-cuu-roi-tu-vong-vi-lien-cau-lon-ca-dau-tien-o-ha-noi-nam-2024-2308920.html)
* Cụ bà 86 tuổi ở Quốc Oai tử vong do liên cầu khuẩn lợn
(https://www.anninhthudo.vn/cu-ba-86-tuoi-o-quoc-oai-tu-vong-do-lien-cau-khuan-lon-post585197.antd)
* Cụ bà ở Hà Nội tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn
(https://hanoimoi.vn/cu-ba-o-ha-noi-tu-vong-do-nhiem-lien-cau-khuan-lon-673961.html)
* Hà Nội: Cụ bà 86 tuổi tử vong do nhiễm liên cầu lợn
(https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doi-song-24h/ha-noi-cu-ba-86-tuoi-tu-vong-do-nhiem-lien-cau-lon-218782.html)
* Hà Nội: Người phụ nữ tử vong do mắc liên cầu lợn
(https://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-nguoi-phu-nu-tu-vong-do-mac-lien-cau-lon-20240805221919943.htm)
* Cụ bà Hà Nội tử vong do nhiễm liên cầu lợn
(https://vnexpress.net/cu-ba-ha-noi-tu-vong-do-nhiem-lien-cau-lon-4778093.html)
* Vì sao Sóc Sơn là 'điểm nóng' về bệnh dại của Hà Nội?
Trong 7 tháng đầu năm 2024, huyện Sóc Sơn của Hà Nội đã ghi nhận 6 ổ dịch dại trên chó, 27 người phải điều trị dự phòng. Sở Y tế Hà Nội đi tìm nguyên nhân.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, qua thực tế giám sát bệnh dại nhiều nơi, trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn còn mầm bệnh tiềm ẩn, nguy cơ dịch bệnh lan rộng toàn huyện nếu không kiểm soát tốt bệnh dại trên động vật.
Ngành y tế Hà Nội đề nghị UBND huyện Sóc Sơn thực hiện nghiêm các biện pháp để phòng ngừa bệnh dại cho động vật, tránh lây lan sang người, đặc biệt cần tăng cường quản lý đàn chó, mèo, tiêm phòng đối với 100% chó, mèo nuôi theo khuyến cáo của ngành thú y.
Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc thay đổi thói quen chăn thả, tuyệt đối không thả rông chó, mèo; đồng thời tiến hành diệt ngay chó chạy rông, chó vô chủ.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu tăng cường hướng dẫn các biện pháp về y tế khi người dân bị chó, mèo cắn. Đặc biệt, người dân cần đến ngay TTYT để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không tự chữa bằng thuốc nam hoặc các biện pháp truyền miệng không có cơ sở khoa học.
Được biết, để chủ động phòng chống bệnh dại trên người, từ đầu năm 2024, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch, kế hoạch liên ngành phòng chống dịch bệnh lây từ động vật sang người, các công văn tăng cường phòng chống dịch bệnh dại chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trong hoạt động phòng chống bệnh dại.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách và phòng tiêm chủng các trung tâm y tế, thực hiện công tác tư vấn chỉ định tiêm phòng dại và thống kê báo cáo người phơi nhiễm đúng quy định; tổ chức kiểm tra giám sát công tác điều tra, xử lý và nội dung hoạt động phòng chống bệnh dại trên người tại các tuyến.
TTYT huyện Sóc Sơn đã tổ chức truyền thông trực tiếp cho các ban, ngành, đoàn thể, tư vấn cho người dân bị phơi nhiễm, thông báo đến người dân các địa chỉ tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại trên địa bàn. Thực hiện rà soát người phơi nhiễm với động vật mắc dại, nghi dại để tư vấn, tuyên truyền tuân thủ điều trị dự phòng.
Trong 27 người phải điều trị dự phòng bệnh dại ở huyện Sóc Sơn có 12 người bị cắn và 15 người tiếp xúc với chó dại (cho chó ăn, chăm sóc chó, giết mổ chó, lấy mẫu chó dại không có bảo hộ).
Báo Sức khỏe đời sống
(https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-soc-son-la-diem-nong-ve-benh-dai-cua-ha-noi-169240805213649873.htm)
Cùng nội dung thông tin:
* Nguy cơ dịch bệnh dại lan rộng tại huyện Sóc Sơn
(https://kinhtedothi.vn/nguy-co-dich-benh-dai-lan-rong-tai-huyen-soc-son.html)
* Hà Nội: Nhiều nơi ở huyện Sóc Sơn vẫn còn tiềm ẩn mầm bệnh dại
(https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-nhieu-noi-o-huyen-soc-son-van-con-tiem-an-mam-benh-dai-post968957.vnp)
* Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, điều khác biệt trong mùa sốt xuất huyết năm nay là khu vực ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ,… và các địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình,… có vẻ như xảy ra sớm và nặng hơn mọi năm.
Biến chứng nguy hiểm của ca mắc sốt xuất huyết
Tháng 7 vừa qua, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận những ca sốt xuất huyết Dengue nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân nam, 25 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) sau sốt xuất huyết 5 ngày nhập viện với tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc. Trường hợp khác còn khá trẻ ở Hoài Đức, Hà Nội cũng vào viện sau sốt 5 ngày, vào viện trong tình trạng nặng, cô đặc máu, da lạnh ẩm, mạch nhanh.
Nhờ nỗ lực điều trị tích cực, các bệnh nhân đã dần bình phục và có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
Tuy nhiên, có trường hợp nhập viện muộn, tiên lượng xấu, chủ yếu ở người cao tuổi, có bệnh nền.
Bệnh nhân T.T.S. (nữ, 62 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội), vào viện sau gần 1 tuần xuất hiện sốt cao từng cơn, mệt mỏi, đau mỏi người, ăn kém. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, viêm khớp dùng thuốc giảm đau thường xuyên và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng.
Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu, tiểu cầu giảm mạnh, men gan tăng cao, suy gan. Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục và điều trị thêm kháng sinh. Tuy nhiên tình trạng nặng do suy đa tạng nên nguy cơ tử vong rất cao.
Không chủ quan khi sốt xuất huyết vào mùa
Theo Phó Giáo sư Cường, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Virus Dengue có 4 tuýp là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
Giai đoạn sốt, về mặt lâm sàng, người bệnh sẽ có các triệu chứng: Sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
Giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện sau: Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan; nôn ói.
Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ). Tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.
Bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết đường tiêu hóa... Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng, viêm gan mạn.
Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não, rối loạn tri giác, suy chức năng các cơ quan khác. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.
Giai đoạn hồi phục thường từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 với biểu hiện sốt giảm, tiểu cầu tăng dần trở lại, tiểu nhiều, cảm giác ăn ngon miệng trở lại. Thời kỳ lại sức kéo dài có thể hàng tháng sau.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới nhấn mạnh, khi mọi người có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ để thăm khám, xét nghiệm và đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà.
Muỗi vằn aedes egypti là nguồn lây bệnh chính. Muỗi thường sống ở các khu vực gần với nơi con người sinh sống, khu đô thị. Cần lưu ý xử lý, loại bỏ các khu vực tối tăm, ẩm thấp, môi trường nước đọng tạo điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển. Ngoài ra cần phun thuốc diệt côn trùng, diệt muỗi, sử dụng các thiết bị đuổi, bắt muỗi, lắp đặt lưới chắn muỗi cửa sổ và dùng màn khi ngủ.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có vaccine cũng như chưa có thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Do đó, khi nghi ngờ hoặc bị sốt xuất huyết, người bệnh cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế, nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Có thể uống Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau. Tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.
Báo Nhân dân
(https://nhandan.vn/dieu-khac-biet-cua-mua-sot-xuat-huyet-nam-nay-post822794.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, nhiều ca nặng nhập viện
(https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/sot-xuat-huyet-dien-bien-phuc-tap-nhieu-ca-nang-nhap-vien-390338.html)
* Nhiều người nhập viện ở Hà Nội sau vài ngày sốt cao
(https://lifestyle.znews.vn/nhieu-nguoi-nhap-vien-o-ha-noi-sau-vai-ngay-sot-cao-post1490200.html)
* Nguy cơ tử vong do sốt xuất huyết nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời
(https://laodongthudo.vn/nguy-co-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-neu-khong-duoc-chan-doan-va-xu-tri-kip-thoi-174756.html)
* Nhiều ca sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm
(https://vnexpress.net/nhieu-ca-sot-xuat-huyet-bien-chung-nguy-hiem-4778100.html)
* Bộ Y tế sắp trình phương án tăng phụ cấp mổ, tiền trực
Bộ Y tế từng xếp thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chuyển dịch nhân lực từ công sang tư, nhưng không phải là yếu tố ảnh hưởng tiên quyết.
Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng đề xuất nhằm tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế, phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay.
Thông tin này được nêu ra trong văn bản Số 4482/BYT-VPB1 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng, trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 99/2023/QH15, Bộ đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Cùng với đó, Bộ Y tế đang xây dựng quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến trình Thủ tướng vào tháng 11.
Nội dung sửa đổi, bổ sung bao gồm:
Tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tăng mức tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay.
Áp dụng quy định thời giờ làm việc, làm thêm và thanh toán chế độ làm thêm giờ đối với thời gian trực 24/24h của viên chức, người lao động theo Bộ luật Lao động.
Áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù đối với các đối tượng hợp đồng lao động đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP (bao gồm bảo vệ, lái xe, hộ lý, hợp đồng chuyên môn trong thời gian chờ thi tuyển viên chức).
Tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc cuối năm 2022, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, phụ cấp trực 24 giờ của y bác sĩ hiện rất thấp và không phù hợp, trong khi thời gian học tập, đào tạo dài hơn ngành nghề khác.
Liên quan đến đề nghị xem xét bổ sung nghề y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu trước 5 năm, Bộ Y tế thông tin:
"Việc nghỉ hưu trước tuổi nhưng không quá 5 năm đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại được quy định tại Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Do vậy, việc xem xét bổ sung nghề y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để được nghỉ hưu trước 5 năm không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị, đề xuất của cử tri và sẽ tích cực tham gia ý kiến khi có yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền".
Báo Dân trí
(https://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-sap-trinh-phuong-an-tang-phu-cap-mo-tien-truc-20240805170149776.htm)
Cùng nội dung thông tin:
* Bộ Y tế sắp trình phương án tăng phụ cấp mổ, tiền trực
(https://vnexpress.net/bo-y-te-sap-trinh-phuong-an-tang-phu-cap-mo-tien-truc-4778107.html)
* Hà Nội: Hơn 16% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm
Hàng hóa vi phạm thường là thực phẩm (bỏng gạo, bim bim, xúc xích, cánh gà...), thực phẩm đông lạnh, nội tạng động vật (kê gà, dạ dày lợn, óc lợn, nầm lợn, mỡ bò...).
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng của thành phố đã kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm 5.820/5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố gồm các cơ sở tại lễ hội, hội chợ, triển lãm, khu du lịch, điểm công cộng và hàng rong, trong đó 83,7% cơ sở đạt tiêu chí theo quy định, trên 16% cơ sở vi phạm.
Cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát 35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó 84,5% số cơ sở đạt tiêu chí theo quy định. Sở Y tế Hà Nội cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh vi phạm an toàn thực phẩm tại Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội: 0823.88.9095, 0922.55.9095.
Bên cạnh đó, thành phố tổ chức đợt giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 15 bếp ăn tập thể trường Tiểu học và 10 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu cho bếp ăn tập thể trường Tiểu học tại 15 quận, huyện, thị xã triển khai mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học;" tuyến quận, huyện kiểm tra, giám sát 324 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 298 cơ sở, chiếm 91,9%.
Thành phố duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, với 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã. Các đoàn giám sát, tư vấn hướng dẫn người dân thực hiện quy định về an toàn thực phẩm tại các gia đình tổ chức cỗ tập trung đông người, 100% gia đình đã ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hà Nội triển khai thí điểm mô hình Kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học thuộc hai phường Tràng Tiền và Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.
Tại 2 phường này, có 21 nhà hàng, 3 khách sạn, 52 cửa hàng ăn uống, 24 cơ sở thức ăn đường phố, 5 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Trong đó, 67/73 cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn hiệu lực. Cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát được 65/105 cơ sở, trong đó 89,2% số cơ sở đạt theo các tiêu chí, phạt tiền một cơ sở, nhắc nhở tại chỗ 3 cơ sở, xét nghiệm nhanh đạt 103/108 mẫu (95,4%).
Đáng chú ý, theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, hiện nay tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vẫn xảy ra. Hàng hóa vi phạm thường là thực phẩm (bỏng gạo, bim bim, xúc xích, cánh gà...), thực phẩm đông lạnh, nội tạng động vật (kê gà, dạ dày lợn, óc lợn, nầm lợn, mỡ bò...).
Các đối tượng còn thay đổi nhãn, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa. Lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm./.
Báo Vietnamplus
(https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-hon-16-co-so-kinh-doanh-thuc-an-duong-pho-vi-pham-an-toan-thuc-pham-post968962.vnp)