* Hà Nội triển khai chiến dịch thanh, kiểm tra ATTP dịp Tết Trung thu
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Trung thu năm 2024, UBND TP Hà Nội đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về ATTP.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về đảm bảo ATTP Tết Trung thu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Theo đó, thời gian triển khai từ ngày 5/8 đến 20/9/2024 tại 30 quận, huyện, thị xã.
Mục đích của kế hoạch nhằm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.
Thông qua hoạt động thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Mặt khác, kế hoạch đưa ra cũng nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu của các cấp, ngành từ TP đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Các đơn vị, địa phương xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định.
Trong quá trình thanh kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền kiến thức, quy định về bảo đảm ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP.
Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp cao điểm Tết Trung thu.
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-trien-khai-chien-dich-thanh-kiem-tra-attp-dip-tet-trung-thu.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
(https://hanoimoi.vn/ha-noi-siet-chat-quan-ly-an-toan-thuc-pham-dip-tet-trung-thu-674064.html)
* Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu
(https://tuoitrethudo.vn/tang-cuong-kiem-tra-cac-co-so-san-xuat-kinh-doanh-banh-trung-thu-256273.html)
* Ghi nhận rải rác bệnh nhi ho gà biến chứng nặng
Theo bác sỹ Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Từ đầu năm đến nay, khoa Nhi vẫn ghi nhận rải rác các bệnh nhân ho gà.
Chiều 6/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khoa Nhi của Bệnh viện vừa tiếp nhận bé trai 1 tháng tuổi ở Hà Nội vào khoảng ngày thứ 15-20 của bệnh ho gà. Khi vào viện, bé đã có những biểu hiện đặc trưng của ho gà. Ho kéo dài từ 6-7 tiếng mỗi cơn, có đờm, mặt đỏ, môi tím tái và ăn kém.
Sau cơn ho, bé ra đờm dài, dính như bã kẹo cao su. Sau khi được các bác sỹ thăm khám, bé được chẩn đoán viêm phổi nặng kết hợp với ho gà.
Khai thác bệnh sử được biết, khi bé bắt đầu có biểu hiện ho, gia đình đã ngay lập tức đưa bé đi kiểm tra. Khi có kết quả xét nghiệm là ho gà bé đã được nhập viện điều trị.
Tuy nhiên, sau 10 ngày bé vẫn ho nhiều không đỡ, gia đình đã đưa bé đến khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị. Hiện tại bé đã hết sốt, cơn ho đã giảm.
Theo bác sỹ Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Từ đầu năm đến nay, khoa Nhi vẫn ghi nhận rải rác các bệnh nhân ho gà.
Bệnh ho gà thường khởi phát âm thầm với các triệu chứng viêm mũi như nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng nhẹ, ho khan nhẹ và sốt nhẹ hoặc không sốt, kéo dài khoảng 1-2 tuần.
“Giai đoạn này rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ khác, đặc biệt ở trẻ nhỏ, do ho rất ít nên dễ bị hiểu lầm là viêm tiểu phế quản. Cháu bé trên cũng là một trong những trường hợp như vậy,” bác sỹ Nguyễn Thành Lê cho biết.
Sau giai đoạn khởi phát, cơn ho bắt đầu trở nên kịch phát, kéo dài từ 10 đến 20 tiếng hoặc từ 30 giây đến 1 phút ho liên tục mà không có hơi thở, khiến trẻ không hít được oxy vào gây suy hô hấp.
Cơn ho kịch phát kết thúc với tiếng "rít" khi hít vào và có thể kèm theo nôn. Mặc dù trẻ thường kiệt sức sau cơn ho kịch phát, nhưng giữa các cơn ho, trẻ lại biểu hiện tương đối khỏe mạnh.
Bác sỹ Lê nhấn mạnh: Các cơn ho kịch phát thường tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng khi bệnh tiến triển và kéo dài từ 2-6 tuần. Các cơn ho này thường xảy ra nhiều hơn vào ban đêm. Bệnh có thể nhẹ hơn và không có tiếng ho đặc trưng ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn đã được tiêm vaccine trước đó.
Thông thường, từ giai đoạn đầu đến khi khỏi hoàn toàn, bệnh ho gà kéo dài khoảng 3 tháng. Bệnh có thể tự khỏi và thường gặp ở trẻ dưới 2 tháng tuổi.
Để bảo vệ bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, bác sỹ Nguyễn Thành Lê lưu ý, người dân cần tiêm phòng vaccine đầy đủ và khi có triệu chứng nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bệnh ho gà nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tiên lượng sẽ tốt hơn. Nhưng nếu bệnh phát hiện chậm trễ, bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng.
Các biến chứng thường gặp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gồm: Viêm phổi - viêm phế quản; Suy hô hấp; Bệnh não do thiếu oxy trong quá trình suy hô hấp và một số biến chứng khác như xuất huyết kết mạc, tràn khí màng phổi, thắt thoát vị, sa trực tràng, viêm tai giữa, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, tê liệt, thoát vị rốn và trực tràng…
Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh ho gà sớm và đúng cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bác sỹ Nguyễn Thành Lê lưu ý./.
(https://www.vietnamplus.vn/ghi-nhan-rai-rac-benh-nhi-ho-ga-bien-chung-nang-post969090.vnp)
Cùng nội dung thông tin:
* Bé 1 tháng tuổi viêm phổi nặng vì bị ho gà
(https://baotintuc.vn/y-te/be-1-thang-tuoi-viem-phoi-nang-vi-bi-ho-ga-20240806152837214.htm)
* Ho đến kiệt sức, bé trai 1 tháng tuổi mắc căn bệnh nguy hiểm diễn biến âm thầm
(https://suckhoedoisong.vn/ho-den-kiet-suc-be-trai-1-thang-tuoi-mac-can-benh-nguy-hiem-dien-bien-am-tham-169240806122706837.htm)
*Bảo vệ trẻ khỏi biến chứng ho gà bằng vắc-xin
(https://baodautu.vn/bao-ve-tre-khoi-bien-chung-ho-ga-bang-vac-xin-d221795.html)
* Hà Nội: Bé một tháng tuổi kiệt sức vì ho gà
(https://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-be-mot-thang-tuoi-kiet-suc-vi-ho-ga-20240806161658274.htm)
* Nước uống đóng chai, nước đá dùng liền: Kiểm soát chặt chất lượng
Vào mùa hè, lượng tiêu thụ nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền (đá viên) đều tăng cao.
Trong khi đó, nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này không tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm thì dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Vì vậy, thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm soát chất lượng các sản phẩm nước uống đóng chai, nước đá dùng liền lưu thông trên thị trường.
Xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 258 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình và đá viên.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố đã thanh tra, kiểm tra được hơn 50% cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình, đá viên. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu sản phẩm đánh giá tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm để kịp thời cảnh báo nguy cơ đến người tiêu dùng. Quan điểm chung của thành phố là, trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh phải xử lý nghiêm theo quy định để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất có uy tín, đầu tư nhà xưởng và máy móc theo tiêu chuẩn vẫn tồn tại các xưởng sản xuất nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình nên điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, tạm bợ, công nghệ chưa được đầu tư thỏa đáng. Các lỗi vi phạm chủ yếu, đó là khu nhà xưởng chưa bảo đảm vệ sinh; thiếu thiết bị, phương tiện rửa và khử trùng; sản phẩm có chỉ tiêu vi sinh vật không phù hợp với quy chuẩn; tem nhãn của sản phẩm không đúng quy định…
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành xử phạt 6 công ty sản xuất nước uống tinh khiết, nước uống đóng chai và 1 công ty sản xuất đá dùng liền.
Cụ thể, 6 cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết, nước uống đóng chai thuộc diện tự công bố sản phẩm có chỉ tiêu vi sinh vật không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 6-1:2010/BYT đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai ban hành ngày 2-6-2010 của Bộ Y tế, đã bị xử phạt 35 triệu đồng/cơ sở. Còn công ty sản xuất đá dùng liền bị xử phạt trên 37 triệu đồng do sản phẩm có chỉ tiêu vi sinh vật không phù hợp quy chuẩn. Đại diện công ty cho biết, sản phẩm bị nhiễm vi sinh do nhân viên dùng tay trần bốc đá cho vào túi. Ngoài hình thức phạt tiền, 7 cơ sở này còn bị đình chỉ hoạt động trong 2 tháng.
Đề cập đến các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm mà các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình, đá dùng liền cần tuân thủ nghiêm ngặt, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, dây chuyền sản xuất phải tuân thủ đúng quy định, bảo đảm quy trình một chiều, phân khu rõ ràng. Mặt khác, quá trình đóng chai, sang chiết ở nhiều cơ sở vẫn theo hình thức bán thủ công. Điều đó có nghĩa là công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nếu trang bị bảo hộ lao động và vệ sinh bàn tay không tốt sẽ dẫn đến chất lượng sản phẩm khó bảo đảm như mong muốn.
“Đối với các bình nước và vòi tái sử dụng, nếu không bảo đảm quy trình súc rửa và diệt khuẩn theo quy định sẽ rất dễ bị nhiễm các vi khuẩn như: E.coli, coliform gây bệnh về đường tiêu hóa. Do đó, các cơ sở không nên dùng tái đi tái lại bình và vòi nhiều lần. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất cần ưu tiên, quan tâm lựa chọn nguồn nước đầu vào và tuân thủ việc kiểm nghiệm định kỳ chất lượng nguồn nước bảo đảm trước khi đưa vào sản xuất”, ông Đặng Thanh Phong lưu ý.
Tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất
Để tăng cường quản lý hiệu quả các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai và đá dùng liền, trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với phòng y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm giám sát, thẩm định thường xuyên việc thực hiện của các cơ sở có bảo đảm hay không. Cùng với đó, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến quy định, quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, nội dung kiểm tra tiếp tục tập trung vào việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền, như: Điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ; chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất cơ bản được tập huấn, thực hành tốt về quy trình sản xuất và chế biến thực phẩm an toàn; được khám sức khỏe định kỳ; cơ sở được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm… Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng tiến hành lấy mẫu nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Nếu phát hiện vi phạm sẽ công bố công khai để cảnh báo cho người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền đã được công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tránh sử dụng những sản phẩm không nhãn mác, không rõ xuất xứ. Khi mua sản phẩm, người tiêu dùng chỉ nên mua ở các cửa hàng có uy tín, quen thuộc hay siêu thị… Bởi đây là những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm bảo đảm vệ sinh, an toàn. Không nên mua ở những cửa hàng, quán hàng bụi bẩn, ẩm ướt, gần xăng, dầu, sơn, hóa chất trừ sâu… Không dùng các sản phẩm đã quá hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bất thường như vẩn đục, có màu sắc khác lạ...
(https://hanoimoi.vn/nuoc-uong-dong-chai-nuoc-da-dung-lien-kiem-soat-chat-chat-luong-673987.html)
* Hà Nội kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 3867/QĐ-UBND ngày 25/7/2024 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn thành phố Hà Nội do bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban; Giám đốc Sở Y tế làm Phó Trưởng ban Thường trực, 24 Ủy viên là đại diện Lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố và các Sở, ngành.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn Thành phố. Chỉ đạo các sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn triển khai các nhiệm vụ liên quan tới công tác phòng, chống dịch bệnh ở người theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND Thành phố. Đề xuất với UBND Thành phố đảm bảo kinh phí, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh trên địa bàn quận, huyện, thị xã được phân công.
UBND Thành phố giao Sở Y tế là cơ quan Thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu cho Ban Chỉ đạo và triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh ở người trên địa bàn Thành phố.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế cho Quyết định số 5122/QĐ-UBND ngày 10/10/2023 của UBND Thành phố.
(https://suckhoecongdongonline.vn/ha-noi-kien-toan-ban-chi-dao-phong-chong-dich-benh-o-nguoi-d283418.html)