Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã chuyển 16 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả... đến cơ quan công an để xác minh, xử lý.
Bộ Y tế đã nhận được kiến nghị của cử tri về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc mua bán, sản xuất các loại thực phẩm bẩn, độc hại để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Về nội dung này, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành chức năng.
Nhờ đó, nhiều vụ vi phạm đã được kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; giúp người dân có thêm thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm đã cơ bản hoàn thiện. Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm với nhiều cơ chế mới trong quản lý an toàn thực phẩm, … phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chế tài xử lý vi phạm cũng đã được quy định đầy đủ, bao gồm các biện pháp xử lý hành chính và hình sự, nhằm đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật, cụ thể như sau:
Về xử lý hành chính, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định số 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP;
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định hành vi cụ thể, rõ ràng, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, phạt nhiều hành vi đối với 01 cơ sở vi phạm, mức xử phạt tăng ở tất cả các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm.
Các quy định này nêu rõ hành vi vi phạm và các hình thức xử phạt như phạt tiền, đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép, buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm vi phạm.
Cụ thể, Bộ Y tế đã từng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt cao nhất/1 vụ việc lên đến 11 tỷ đồng. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong thời hạn 11 tháng; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong thời hạn 22 tháng đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm; Buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc tiêu hủy thực phẩm vi phạm.
Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan công an trong xử lý vụ việc phát hiện sản phẩm chứa chất cấm, hàng giả, có dấu hiệu hình sự.
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã chuyển 16 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả... đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý.
Về xử lý hình sự, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trình Quốc hội ban hành Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, trong đó có Điều 317 về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Y tế, quy định xử lý hình sự khi gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên, khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm cho tội danh này trong trường hợp chết 03 người trở lên hoặc gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
Khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
(https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-da-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-1-vu-viec-lien-quan-den-thuc-pham-so-tien-11-ty-dong-169240809064259114.htm)
*Quận Hai Bà Trưng chủ động phòng, chống sốt xuất huyết
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn quận Hai Bà Trưng có 72 ca mắc sốt xuất huyết và 1 ổ dịch, hiện đang xếp thứ 7/30 quận, huyện trên địa bàn Thành phố về số ca mắc.
Nhằm chủ động, tích cực phòng, chống sốt xuất huyết, ngay từ những tháng đầu năm 2024, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn, kỹ thuật phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận. Đồng thời, Trung tâm Y tế tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân 18 phường để triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết.
Nhiều hoạt động chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống dịch được triển khai nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.
Trung tâm Y tế quận đã triển khai giám sát 77 ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 tại 2.310 hộ gia đình, kiểm tra tổng số 2.836 dụng cụ chứa nước, qua đó phát hiện 194 dụng cụ chứa nước có bọ gậy, 24 hộ gia đình có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy đợt 1 đã triển khai tại 18/18 phường. Quận đã huy động 1.880 lượt cán bộ tham gia chiến dịch, thực hiện kiểm tra 81.324/83.605 hộ gia đình, ghi nhận 3.794 dụng cụ chứa nước có bọ gậy trên tổng số 95.120 dụng cụ chứa nước được kiểm tra.
Tới thời điểm ngày 5/8, quận Hai Bà Trưng đã triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường đợt 2 tại 12/18 phường, 6 phường còn lại đang tiếp tục triển khai trong tháng 8/2024; đã thực hiện kiểm tra 46.427 trên tổng số 48.565 hộ gia đình, có tổng số 1.088 lượt cán bộ tham gia chiến dịch, ghi nhận 2.496 dụng cụ chứa nước có bọ gậy trên tổng số 52.213 dụng cụ chứa nước được kiểm tra.
Chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi đã triển khai tại 12/18 phường. Số hộ gia đình được phun là 33.352 trên tổng số 37.084 hộ. Ngoài ra, quận cũng thực hiện phun hoá chất diệt muỗi tại 49 công trường và 142 khu vực nguy cơ khác.
Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng chủ động xây dựng và cập nhật thường xuyên các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch để truyền thông sâu rộng tới cộng đồng dân cư. Đồng thời, Trung tâm Y tế quận cũng chủ động phối hợp với các phường, các ban ngành, các trường học trên địa bàn để tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp về công tác phòng, chống dịch.
Việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh của Thành phố, địa bàn quận đã giúp người dân chủ động và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh; vận động người dân thường xuyên áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy, diệt muỗi và phòng, chống muỗi đốt; hướng dẫn người dân khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tổng cộng đã có 63.344 tờ rơi truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết đã được phát tới người dân.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng còn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, dịch truyền, sinh phẩm y tế, vật tư, trang thiết bị, máy móc, sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu điều trị bệnh nhân; chủ động tổ chức, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trong phạm vi đơn vị quản lý.
Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Hùng Sơn, Khoa Kiểm soát dịch, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết: Khẩu hiệu hành động của ngành Y tế trong phòng, chống sốt xuất huyết là “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Bởi vậy, ngoài biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động cộng đồng, người dân cần thực hiện việc thau vét bọ gậy muỗi truyền bệnh định kỳ, thường xuyên ở các dụng cụ chứa nước tạm thời ở trong và quanh nhà ở; biện pháp dùng cá diệt bọ gậy muỗi cũng cần được tuyên truyền, ứng dụng phổ cập để góp phần trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Người dân nên đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa,... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. “Đặc biệt, cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà”, ông Sơn cho biết thêm.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 26/7 đến 2/8), trên địa bàn Thành phố ghi nhận 171 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 46 ca so với tuần trước đó. Số ca bệnh sốt xuất huyết phân bố tại 23 quận, huyện. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Thạch Thất, Phúc Thọ. ngoài ra, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 8 ổ dịch sốt xuất huyết, giảm 2 ổ dịch so với tuần trước đó tại 5 quận, huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Quốc Oai. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 57 ổ dịch, còn 20 ổ dịch đang hoạt động.
(https://laodongthudo.vn/quan-hai-ba-trung-chu-dong-phong-chong-sot-xuat-huyet-174945.html)
*Huyện Chương Mỹ (Hà Nội): Tích cực vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh
Sau khi nước rút, người dân và các đoàn thể ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã tất bật dọn dẹp sau lũ, khử khuẩn, vệ sinh môi trường để phòng ngừa các dịch bệnh dễ bùng phát mùa mưa bão.
Bảo đảm vệ sinh môi trường, khử khuẩn
Sau hơn 2 tuần chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt, đến nay hầu hết các khu vực dân cư ven sông Bùi, sông Tích tại Hà Nội đã không còn cảnh ngập úng. Đời sống người dân dần ổn định trở lại.
Thống kê của huyện Chương Mỹ, trong đợt lũ này, 1.480 hộ dân ở 10 xã (Tốt Động, Đông Sơn, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Trần Phú) trong vùng "rốn lũ" bị ngập 0,5 - 2m, 7.410 nhân khẩu cần cứu trợ và 4.329 người phải đi sơ tán.
Đến nay, huyện đã tiếp nhận 6.316 thùng mỳ tôm, 4.836 thùng, bình nước, 1.232 chai nước mắm, 929 chai dầu ăn, 15kg thuốc khử trùng, 350 chai dung dịch vệ sinh, thuốc nhỏ mắt, ngứa chân, tiêu chảy và 1.000 gói ChloraminB… từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Các gia đình phải đi sơ tán cơ bản đã trở về nhà ổn định đời sống, vệ sinh nhà cửa.
Sáng 7/8, các công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội phối hợp cùng lực lượng công an, dân phòng và nhân dân thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ huy động các máy móc dọn vệ sinh, hút và thổi khơi thông cống rãnh nhằm tăng cường khả năng thoát nước tại thôn.
Toàn huyện cũng đã huy động 220 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, gần 1.000 dân quân và cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên cùng 12 phương tiện tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học phục vụ cho năm học mới.
Để đẩy nhanh việc khắc phục hậu quả bão lụt, UBND huyện Chương Mỹ chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các phương án để tổng vệ sinh môi trường, rác thải, xác động vật, thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo quy định; triển khai phương án phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, huyện Chương Mỹ cũng yêu cầu kiểm tra, đánh giá sự cố các công trình giao thông, hạ tầng, nhà ở, đê điều, thủy lợi; kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi.
Các phòng, ban, ngành của huyện chủ động triển khai phương án đảm bảo đời sống cho người dân; không để xảy ra tình trạng người dân không có nước uống, nước sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu; bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường môi trường và hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men cho những trường hợp đau ốm.
Tăng cường phòng chống dịch bệnh
Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã thành lập các Trạm Y tế lưu động. Riêng tại xã Nam Phương Tiến, trạm y tế xã đã phát thuốc ngăn ngừa nước ăn chân, thuốc nhỏ mắt và Cloramin B để khử khuẩn cho nhân dân thanh trùng nước ăn, nước sinh hoạt.
Tại huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế đã cấp gần 200kg Cloramin B 25% đến các xã, thị trấn bị ngập lụt phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường, tiếp tục cung cấp bổ sung cho các đơn vị có nhu cầu; phân công cán bộ giám sát thường trực 24/24 giờ và 4 đội cơ động tiến hành theo dõi, giám sát, hỗ trợ đối với những xã, thị trấn bị ngập.
Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã thống kê các sản phụ dự kiến sinh tại các xã bị ngập úng; phân công cán bộ y tế theo dõi sát tình trạng của các sản phụ, hướng dẫn di chuyển đến nhà người thân tại các vùng không bị ngập. Có phương án sẵn sàng phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện đưa các sản phụ đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời với các trường hợp phát sinh.
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước tình hình mưa lũ kéo dài tại một số huyện ngoại thành, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện và trung tâm y tế thành lập các tổ cấp cứu cơ động, đội phòng chống dịch cơ động, như tại huyện Chương Mỹ đã thành lập 4 tổ cấp cứu cơ động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phục vụ việc khám chữa bệnh cho người dân tại các vùng bị ngập úng.
TS Nguyễn Đình Hưng cũng lưu ý, trong mùa mưa lũ người dân cần chú ý đến các bệnh về mắt, da liễu, tiêu chảy, sốt xuất huyết, các bệnh liên quan đến thực phẩm…
(https://tuoitrethudo.vn/tich-cuc-ve-sinh-moi-truong-phong-chong-dich-benh-256361.html)