3 lưu ý cần nắm khi xây dựng khẩu phần ăn cho trẻ từ 3-6 tuổi
Hầu hết các bé từ 3-6 tuổi đều được đi học mẫu giáo, do đó khẩu phần ăn của các bé sẽ được nhà trường xây dựng. Nếu mẹ muốn biết khẩu phần ăn do nhà trường xây dựng có đảm bảo dinh dưỡng, an toàn không thì mẹ đừng quên nắm những lưu ý sau.
1/ Thực đơn của trẻ từ 3-6 tuổi cần những chất nào?
Theo các chuyên gia, trẻ từ 3-6 tuổi cần khoảng 1.300 - 1.500 calo mỗi ngày, tùy thuộc vào sự phát triển của từng trẻ. Tuy nhiên, nhìn chung, thực đơn của các bé mỗi ngày đều cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất sau:
- Tinh bột, đường
Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chính trong mỗi khẩu phần ăn. Hầu hết ở trường các bé sẽ được cho ăn cơm hoặc mì, nui, phở… Mẹ có thể tham khảo bảng thực đơn để nắm rõ điều này. Ngày nay, các hệ thống trường mầm non còn kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách cho bé ăn ngũ cốc hoặc các loại bánh kẹo có hàm lượng đường thấp.
- Đạm
Đạm hay còn gọi là protein, chúng có nhiều trong thịt, trứng, tôm, cua, ngũ cốc họ đậu, đậu phụ… Chúng có vai trò tạo máu, tạo kháng thể và sản sinh ra các acid amin thiết yếu cho sự phát triển của trẻ.
- Chất béo
Chất béo có trong dầu thực vật hoặc mỡ động vật. Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ cần kết hợp cả 2 loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật và động vật. Tuy nhiên, một chế độ ăn lành mạnh cần ưu tiên các dầu thực vật như dầu oliu, dầu vừng, dầu gan cá…
- Vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất tập trung ở nhiều thực phẩm, tuy nhiên chủ yếu vẫn là từ trái cây và rau củ quả. Trong đó mẹ cần lưu ý các loại vitamin như vitamin A, C, D, các khoáng chất bao gồm canxi, sắt, kẽm, phốt pho… Đây cũng là lý do mà khẩu phần ăn của trẻ thường xuyên xuất hiện sữa.
2/ Bữa ăn cho bé từ 3-6 tuổi, như thế nào là hợp lý?
Bên cạnh các nhóm dinh dưỡng, thường thì khẩu phần ăn của các bé từ 3-6 tuổi sẽ được chia thành 5 bữa/ngày bao gồm: bữa sáng, bữa phụ sáng, bữa trưa, bữa xế chiều và bữa tối. Trong đó:
- Dinh dưỡng buổi sáng chiếm 25% cung cấp cho 1 ngày. Đó là lý do các mẹ nên cho bé ăn đủ chất vào buổi sáng với các món như cháo trứng, cháo gà, cháo lươn…nấu cùng rau xanh và ăn kèm với trái cây.
- Dinh dưỡng buổi trưa chiếm 35% cung cấp cho 1 ngày. Đó là lý do trưa các bé cần ăn cơm như người lớn cùng đa dạng các món ăn khác nhau.
- Dinh dưỡng bữa tối chiếm 30%, 2 bữa phụ còn lại cung cấp 10% năng lượng cho một ngày. Với bữa phụ mẹ nên chọn các món dễ tiêu hóa như sữa chua, sữa, trái cây, súp, bánh...
3/ Vấn đề an toàn thực phẩm cần đặc biệt được chú trọng.
Hiện nay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở các cơ sở trường mầm non vẫn là chủ đề đáng quan tâm.
Do đó, để đảm bảo bữa ăn mỗi ngày của con mình, bạn nên yêu cầu phía nhà trường cung cấp nguồn gốc thực phẩm cũng như hình ảnh các khu vực chế biến, vệ sinh thực phẩm. Tốt hơn mẹ nên có sự tham quan thực tế khu vực ăn của các con, không ít cơ sở nhà trường hiện nay còn lắp camera giám sát.
Không chỉ từ phía nhà trường, khi con về nhà, bạn cũng cần thiết lập chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh cho trẻ. Nên lựa chọn thực phẩm tại các địa chỉ uy tín, có nguồn gốc, chứng nhận rõ ràng.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần hình thành cho bé thói quen ăn uống lành mạnh như hạn chế sử dụng nước có ga, tiêu thụ ít đường, mỡ động vật. Các món ăn nên tăng cường ở dạng hấp, luộc và cắt giảm các món chiên xào….
Bé từ 3-6 tuổi không chỉ phát triển về thể chất mà còn nhanh nhạy hơn trong cảm xúc, trí não.
Do đó, mẹ thông qua việc xây dựng thực đơn, chế biến các món ăn, mẹ cũng nên truyền tải cho bé về vai trò của giá trị dinh dưỡng, vì sao bé cần hạn chế những thực phẩm này, ưu tiên các thực phẩm kia và đặc biệt là cần sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.
Tất cả sẽ giúp bé hình thành nên thói quen cũng như tư duy ăn uống lành mạnh sau này, giảm thiểu nguy cơ bệnh tật.