Bé biếng ăn rất phổ biến ở độ tuổi trẻ tập đi. Tuy nhiên, bạn vẫn không nên chủ quan nếu điều này xảy ra với con mình. Biếng ăn có thể cảnh báo một vấn đề sức khỏe sâu xa nào đó
Biếng ăn có ảnh hưởng đến tinh thần?
Trong tuổi này, bé đã hình thành niềm yêu thích đặc biệt đối với một số loại thực phẩm, đồng thời cũng ghét một số món nhất định. Có 20% số trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 3 là các bé biếng ăn. Chỉ 3% sẽ lớn lên với chứng biếng ăn nghiêm trọng và các nghiên cứu gần đây cho thấy nhóm này có khuynh hướng bị trầm cảm hay bị ám ảnh sợ xã hội. Những bé trong nhóm biếng ăn thông thường cũng cho thấy có nhiều dấu hiệu bị trầm cảm hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý hơn các bé không biếng ăn.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng các bé thích “kén cá chọn canh” có thể cũng đặc biệt nhạy cảm trong nhiều vấn đề khác. Với một đứa trẻ cảm nhận, nghe, nhìn thế giới này một cách quá sâu sắc và mạnh mẽ, việc giới hạn những lựa chọn thực phẩm của mình chỉ là một cách để “đơn giản hóa” thế giới quá phong phú đang áp đảo bé ngoài kia.
Nguyên nhân bé biếng ăn
♦ Thức ăn không hợp khẩu vị: Giai đoạn bé tập đi cũng là khoảng thời gian để bé nếm và thử nghiệm nhiều loại thức ăn mới. Nếu bé biếng ăn hay thè lưỡi suốt bữa ăn, nhiều khả năng do bé không thích những món mẹ chọn.
♦ Bé bị bệnh: Cổ họng đau rát vì bị cúm, áp xe, viêm thanh quản hoặc viêm amidan. Cổ họng đau có thể khiến bé từ chối nhiều loại thức ăn vì cảm giác đau mỗi khi nuốt xuống.
♦ Dạ dày nhỏ: Ở tuổi tập đi, dạ dày bé cũng nhỏ như nắm tay vậy, và bạn không nên trông đợi rằng bé sẽ ăn thật nhiều đồ ăn. Nếu muốn tăng số lượng thức ăn, tốt nhất là bạn nên tăng số bữa ăn trong ngày từ 3 thành 4 hay 5 bữa.
♦ Mất cân bằng: Lý do thứ hai là bé đang phát triển mạnh mẽ về các kỹ năng, từ đi, nói đến cầm nắm, chạy và leo trèo. Có thể bé đang thấy mọi thứ quá tải và cần phải làm cho thế giới xung quanh trở nên đơn giản hơn thông qua việc giới hạn những món ăn của mình.
♦ Bé độc lập hơn: Có nhiều lý do khiến các bé trở nên khó tính trong ăn uống khi bước vào tuổi tập đi. Đầu tiên, đó là do các bé đang trở nên độc lập hơn. Bé muốn tự quyết định mình sẽ ăn gì và ăn bao nhiêu. Thế là, có những ngày, bạn thấy con ăn hào hứng biết bao nhưng ngay hôm sau lại lắc đầu không chịu ăn gì cả.
♦ Do thói quen nấu ăn của mẹ: Với suy nghĩ rằng chỉ có một số thực phẩm mới tốt, mới cung cấp đủ dưỡng chất dinh dưỡng cho bé mà một số gia đình cứ lặp đi lặp lại những món ăn đó hết ngày này qua ngày khác. Việc này làm trẻ nhàm chán, lâu ngày dẫn đến tình trạng biếng ăn. Thật ra, những bữa ăn đa dạng các nhóm thực phẩm sẽ làm bé ăn ngon miệng hơn rất nhiều. Hơn nữa, việc phối hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau sẽ giúp cơ thể bé hấp thu đầy đủ dưỡng chất hơn. Vì trong mỗi loại thực phẩm đều có một lượng vitamin và dưỡng chất nhất định.
Những món ăn mẹ nghi là ngon, bổ nhưng chưa chắc bé đã thích
♦ Thói quen ăn vặt: Ngoài ra, việc hay cho bé ăn các loại bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn cũng là nguyên nhân khiến bé biếng ăn. Vì đường trong các loại thực phẩm này sẽ khiến bé có cảm giác no nhưng thực chất là bé vẫn đói. Trong các loại thực phẩm này, hàm lượng dinh dưỡng lại không nhiều. Liên tục như vậy sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của bé. Do vậy, bạn nên cho trẻ ăn đúng giờ đúng bữa và chỉ nên cho bé ăn một lượng đồ ngọt nhất định sau khi ăn.
♦ Do ảnh hưởng tâm lý: Do sợ con đói, sợ con suy dinh dưỡng mà nhiều cha mẹ cố gắng bắt ép bé ăn hết những món mình làm ra. Việc cha mẹ liên tục bắt ép con ăn những món bé không thích hoặc phải ăn quá nhiều sẽ làm bé sinh ra tâm lý sợ hãi, chán ăn. Cứ nhìn thấy món ăn là không muốn ăn. Nhiều bé còn phản ứng thái quá là khóc lóc hoặc bịt miệng không ăn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tâm lý thoải mái vui vẻ khi ăn sẽ kích thích các men tiêu hóa hoạt động, làm bé ăn ngon miệng hơn. Vậy nên, rất có thể khi đi học, bé cưng của bạn sẽ chịu khó ăn hơn ở nhà. Vì ở trường có rất nhiều bạn bè cùng vui chơi, sinh hoạt và tâm lý chia sẻ, ganh đua sẽ giúp bé ăn nhiều hơn.
Nếu bé chỉ ăn hoặc không chịu ăn một loại thực phẩm nào đó trong khoảng thời gian ngắn, sẽ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, bố mẹ nên đưa bé đi khám vì bé có thể mắc phải chứng rối loạn cảm giác với thức ăn, do khi thông tin từ cơ quan vị giác truyền đến não nhưng không được xử lý một cách chính xác. Hội chứng này có thể xuất hiện cùng với các vấn đề về khả năng nói của bé. Mặt khác, tình trạng bé biếng ăn, chảy nhiều nước miếng có thể do rối loạn vùng miệng khi bé không thể kiểm soát các cơ cần thiết để nuốt.
Dấu hiệu bé biếng ăn do chứng rối loạn cảm giác
Các vấn đề như chảy nước miếng, nôn khan hoặc bị nghẹn có thể xuất hiện từ những năm đầu đời khi trẻ chuyển từ thức ăn lỏng sang đặc. Bạn cũng có thể sẽ gặp phải tình cảnh này: Bé dùng lưỡi đẩy thức ăn ra khỏi miệng, không chịu ăn một số loại thực phẩm hay tệ hơn là không chịu ăn bất cứ thứ gì và chảy nước miếng nhiều hơn so với các bé cùng độ tuổi.
- Bé dùng lưỡi đẩy thức ăn ra khỏi miệng không chịu ăn một số loại thực phẩm hoặc bất cứ thứ gì
- Bé biếng ăn hay ngậm
- Trẻ bị chảy nước dãi nhiều hơn các trẻ khác cùng tuổi
- Thời gian ăn của bé kéo dài từ 20-30 phút
- Bé ăn ít và chỉ ăn những món nhất định và không chịu thử những món mới
- Lượng thức ăn bé ăn vào ít hơn nhiều so với các bé khác cùng tuổi
- Bé 1 tuổi biếng ăn thường có các hành động như: Bịt miệng, nhè thức ăn ra, nôn, khóc khi ăn
- Chỉ số cân nặng và chiều cao không đạt chuẩn
- Bé dễ mắc những bệnh thông thường như ho, cảm do hệ miễn dịch suy yếu
Bé biếng ăn thường bịt miệng khi được người lớn đút thức ăn
Bé biếng ăn phải làm sao?
Mẹ có thể tham khảo các cách trị bé biếng ăn sau đây để giúp con ăn tốt hơn nhé.
1. Trị liệu
Rối loạn cảm giác với thức ăn có xu hướng xuất hiện khi bé được 18-24 tháng. Khả năng sử dụng các cơ miệng khi ăn cũng thể hiện khả năng sử dụng các cơ miệng khi nói, vì vậy thật dễ hiểu nếu bé gặp vấn đề về ăn uống và nói năng cùng lúc. Do đó, các phương pháp trị liệu kết hợp giữa lời nói và ngôn ngữ cũng được khuyến khích.
2. Mẹo cho bé biếng ăn
♦ Một số bé quá nhạy cảm với mùi, vị hay kết cấu của thức ăn
Với những trường hợp này, bạn nên thực hiện nhiều món ăn khác nhau, nên chọn những nguyên liệu mà bé yêu thích. Bên cạnh đó, thường xuyên giới thiệu những món ăn mới nhưng không ép buộc bé ăn, bạn sẽ mất từ 10-15 lần thất bại trước khi bé “để mắt” và chấp nhận món ăn.
Đôi với những bé nhạy cảm với kết cấu thức ăn, hãy thử kết hợp giữa kết cấu mềm mịn và kết cấu chắc, cứng như khoai tây nướng và sốt, cháo và bánh giòn xem bé sẽ phản ứng ra sao nhé.
♦ Một số bé chỉ lựa chọn dựa trên cảm tính
Với những bé này, bạn có thể thử dọn một món mới bên cạnh những món bé đã từng thử và thích, khuyến khích con sờ, nếm, ngửi món mới. Bên cạnh đó, mẹ đừng làm những món ăn sơ sài, mà phải thực sự nghiêm túc khi nấu ăn cho con bạn, để cho ra những món ăn thật sự chất lượng cho bé. Bạn cũng nên cho con nếm thử những món ăn trong bữa ăn của cả gia đình.
Chú ý đến việc bày biện thức ăn cho bắt mắt để đáp ứng nhu cầu của bé. Một trong những cách “quyến rũ” bé vào thế giới thực phẩm chính là cho bé tham gia vào quá trình mua sắm, sơ chế và nấu nướng thực phẩm.
Nhiều trẻ muốn được tự xúc ăn, bốc ăn chứ không muốn mẹ xúc
♦ Bé kén chọn chỉ vì muốn tự mình xúc ăn
Bạn có thể chuẩn bị một số món ngon cho bé biếng ăn mà bé có thể bốc tay. Tiếp đến, mẹ hãy cho bé một bộ dụng cụ gồm muỗng, nĩa để con tự xúc ăn và để bé tự phục vụ mình.
♦ Bé không thích phải ngồi quá lâu
Một số bé rất năng động và khó chịu khi phải ngồi một chỗ để ăn. Bạn hãy chuẩn bị những món có thể ăn trong thời gian không quá 10 phút là thời lượng lý tưởng nhất. Sau đó, bé sẽ được tiếp tục chạy nhảy. Hãy để những món ăn bốc trong tầm với của bé để bé dễ dàng tự lấy thức ăn khi đói bụng.
♦ Không buộc con phải ăn món nào đó
Việc ép buộc thường phản tác dụng. Đầu tiên, bé càng ăn ít hơn. Tiếp đến, bé trở nên lệ thuộc vào người khác, không biết bản thân nên ăn gì và nên ăn bao nhiêu, mất đi cảm giác ngon miệng.
♦ Không quyết định thay con
Bạn được quyền chọn món để nấu, và bé là người quyết định mình có ăn hay không và ăn bao nhiêu. Đừng lẫn lộn vai trò nhé! Những bữa ăn không nên trở thành nơi để tranh giành quyền lực giữa bố mẹ và các con.
♦ Không nài nỉ và thỏa hiệp với con
Hãy tránh những kiểu thương lượng như “ăn hết rồi mẹ cho ăn bánh”, “thêm vài miếng nữa rồi chiều nay mẹ mua kem cho nhé”.
♦ Tạo không khí vui vẻ khi ăn
Sắp xếp cho bé ăn uống cùng cả nhà cũng là một cách tốt để kích thích niềm vui ăn uống của bé. Hãy cố gắng tạo ra một không khí vui vẻ, khi mọi người cùng ngồi vào bàn ăn và nói chuyện, thưởng thức các hương vị cùng nhau một cách thật thoải mái, say mê.
Tạo không khí vui vẻ trên bàn ăn để kích thích bé ăn ngon hơn
Bên cạnh đó, bạn vẫn nên theo dõi liệu có vấn đề nào khác đi cùng tình trạng biếng ăn hay không. Bé có quá nhạy cảm, cáu gắt, có dấu hiệu trầm cảm, tăng động hay không? Nếu câu trả lời là “có” thì hiển nhiên, bé biếng ăn cần được chẩn đoán và chữa trị để tiếp tục lớn lên khỏe mạnh, thông minh và vui vẻ.