Tình trạng trẻ bị thừa cân, béo phì ngày càng nhiều và biện pháp giảm khẩu phần ăn kết hợp vận động luôn là cách làm hiệu quả nhất các bà mẹ nên lựa chọn cho con.
Có rất nhiều yếu tố góp phần gây nên tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ như di truyền, lối sống, rối loạn nội tiết, hội chứng về gene hay một số thuốc làm tăng cân quá mức. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do lối sống và thói quen ăn uống.
Đó là thói quen cho trẻ sử dụng thức ăn nhanh, thức ăn béo, khẩu phần ăn lớn, trẻ nhỏ sử dụng sữa công thức thay cho sữa mẹ... Đồng thời là sự ít vận động, ít tập luyện thể dục, thể thao; xem tivi, chơi game quá nhiều (hơn 4 giờ/ngày) của trẻ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ.
Quan niệm sai lầm của cha mẹ về hình thể của đứa trẻ bình thường, cho rằng trẻ bụ bẫm mới đẹp, hay bé mập để “dành” khi đau ốm sút cân là vừa... nên cố ép trẻ ăn khẩu phần lớn hơn nhu cầu.
Khi trẻ đã bị thừa cân béo phì, cần một chế độ ăn phù hợp, các mẹ cần chú ý các nguyên tắc quan trọng của chế độ dinh dưỡng dành cho các trẻ này.
Các mẹ nên giảm các thực phẩm có năng lượng rỗng, là những thực phẩm chủ yếu cung cấp năng lượng nhưng nghèo các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin và chất khoáng. Các thực phẩm nên hạn chế tối đa như nước ngọt, bánh kẹo ngọt, thức ăn chế biến sẵn như gà rán, xúc xích,... các loại da, phủ tạng động vật, bột tinh chế ...
Cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau xanh không chỉ giúp cung cấp nhiều vitamin tốt cho cơ thể mà còn cung cấp nhiều chất xơ làm giảm khả năng béo phì. Chất xơ không có giá trị dinh dưỡng nên chỉ tạo cảm giác no mà không không tăng năng lượng cho cơ thể. Vì thế, nó rất lợi cho những người bị béo phì.
Ảnh minh họa - Internet
Mặt khác, do chất xơ có thể hạn chế và kiểm soát lượng đường trong máu nên không tạo ra tình trạng thừa đường để chuyển hóa thành mỡ dự trữ. Ngay trong quá trình tiêu hóa thức ăn, cả chất xơ hòa tan và không hòa tan đều làm tăng tốc độ vận chuyển thức ăn trong ruột, hạn chế được sự hấp thu các chất dinh dưỡng nên cũng hạn chế tăng cân.
Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên đảm bảo đủ khẩu phần đạm thiết yếu bằng cách chọn các loại thịt nạc, cá nạc, ưu tiên thịt gà, cá, đậu đỗ,... giúp trẻ phát triển thể chất để hoàn thiện cơ thể.
Các mẹ đừng quên nhắc con uống đủ lượng nước và sữa mỗi ngày nữa nhé. Uống đủ lượng nước hàng ngày không chỉ giúp bé điều hòa các chất trong cơ thể mà còn giúp kiểm soát năng lượng một cách hiệu quả. Nếu trẻ bị thừa cân, việc của mẹ là cho bé uống các loại sữa không đường, không nên uống sữa đặc có đường, với trẻ nhỏ nên lưu ý cho bé bú sữa mẹ.
Đảm bảo trẻ uống đủ sữa theo độ tuổi. Nhiều người có quan niệm sai lầm khi con thừa cân béo phì là cắt giảm sữa ngay vì cho rằng sữa sẽ làm con tăng cân hơn. Trong khi đó, sữa lại là nguồn thực phẩm chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp phát triển chiều cao (canxi, vitamin D, phospho, đạm whey, lactose…). Chính vì vậy, sữa đặc biệt quan trọng với trẻ em béo phì, trẻ cần giảm năng lượng để không tăng cân, nhưng cần đủ các dưỡng chất quý để tăng chiều cao. Do đó, với trẻ em béo phì, sữa là loại thực phẩm không những không giảm mà còn phải tăng thêm trong khẩu phần hàng ngày.
Tuy nhiên, phải biết chọn lựa loại sữa phù hợp với trẻ, không nên cho trẻ uống sữa thông thường giàu béo, giàu ngọt, mà nên chọn sữa dành riêng cho trẻ thừa cân béo phì, ít béo, thấp năng lượng, giàu đạm và các khoáng chất vi lượng.
Khi trẻ bị thừa cân, các mẹ nên cho bé ăn điều độ, không bỏ bữa; không nên để trẻ quá đói, vì quá đói trẻ sẽ ăn nhiều gấp đôi bình thường dễ dẫn đến tích trữ lượng mỡ thừa. Các mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn, mỗi ngày cho trẻ ăn 5 - 6 lần, mỗi lần ăn ít tốt hơn là ăn ít bữa nhưng lại ăn quá no trong một bữa.
Bên cạnh đó, các mẹ cũng phải thường xuyên động viên con tăng cường vận động có thể giúp giải quyết tình trạng thừa cân béo phì. Việc vận động giúp tiêu hao năng lượng, giảm lượng mỡ thừa hiệu quả. Hãy tập cho trẻ thói quen năng vận động, hạn chế các hoạt động tĩnh tại như xem tivi, chơi game...
Giấc ngủ cũng rất ảnh hưởng tới tình trạng thừa cân béo phì của trẻ. Vì vậy các mẹ chú ý cho trẻ ngủ đủ giấc, không thức quá khuya, khi ngủ sâu cơ thể sẽ tăng tiết các hormon tăng trưởng, trẻ sẽ dài ra trong lúc ngủ. Đồng thời việc ngủ đủ giấc còn ức chế sản sinh một số chất có tác dụng kích thích sự thèm ăn, trẻ sẽ ăn ít hơn, đỡ tăng cân hơn, dễ thoát khỏi thừa cân béo phì hơn.
Theo SKĐS