Trứng là một trong những thực phẩm cung cấp lượng đạm cao, dễ hấp thu và rất phù hợp với trẻ nhỏ đang ăn dặm. Tuy nhiên, khi cho trẻ ăn trứng gà, trứng vịt quá nhiều cũng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng không tốt. Vậy mẹ nên cho bé ăn bao nhiêu trứng là đủ?
26/03/2019
Hầu như các trẻ đều rất thích ăn trứng vì vị béo, thơm ngon và ngay từ giai đoạn ăn dặm thì trứng đã được xếp vào hàng thực phẩm phù hợp với trẻ. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng phải thừa nhận rằng trẻ sẽ rất nhanh tăng cân, phát triển não bộ khi bố mẹ cho trẻ ăn trứng gà hay trứng vịt đúng cách.
Dinh dưỡng có trong trứng gà
Nguồn dưỡng chất có trong 1 quả trứng rất đa dạng, trong đó phải kể đến lượng đạm của trứng không hề thua kém thịt cá. Ngoài ra, trong lòng đỏ trứng còn cung cấp nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất, rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như: sắt, vitamin A, kẽm…
Đặc biệt là trứng gà hay trứng vịt đều có hàm lượng cholin rất cao, đây là thành phần quan trọng để phát triển các dây thần kinh và phát triển trí nhớ của trẻ.
Rất nhiều mẹ băn khoăn về việc nên cho trẻ ăn trứng gà hay trứng vịt, thông thường cứ trong 1 quả trứng gà ta nặng khoảng 40g (cả vỏ), 1 quả trứng vịt: 70g (cả vỏ). Nếu bỏ vỏ thì 100g trứng gà tương đương 3 quả, còn 100g trứng vịt tương đương 1,5 quả.
Khi cho trẻ ăn trứng gà, bé sẽ nhận được lượng đạm và cholin phục vụ trí não phát triển
Về giá trị dinh dưỡng của trứng gà và vịt không khác nhau nhiều lắm, nhưng đối với trẻ nhỏ thì trứng gà sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn. Hàm lượng kẽm, vitamin A của trứng gà cao hơn trứng vịt, trong trứng gà còn có cả vitamin D, giúp phòng ngừa nguy cơ trẻ bị còi xương. Hàm lượng chất đạm của trứng gà cũng cao hơn trứng vịt, chất béo trong trứng gà thấp hơn nên ít gây đầy bụng khó tiêu, như vậy nên cho trẻ ăn trứng gà thì tốt hơn.
Cách cho trẻ ăn trứng gà hợp lý
Bất kỳ một thực phẩm nào khi được ăn liên tục đề có thể gây ra những vấn đề khó chịu cho trẻ. Mẹ nên lưu ý liều lượng trứng và độ tuổi khi cho bé ăn:
- Trẻ từ 6 - 7 tháng tuổi: Lúc này mẹ chỉ nên cho trẻ ăn một nửa lòng đỏ mỗi lần và không nên cho bé ăn quá 2,3 lần một tuần và không nên cho bé ăn lòng trắng trứng.
- Trẻ từ 8 - 12 tháng tuổi: Các món ăn dặm của trẻ nên có một lòng đỏ trứng gà mỗi bữa và chỉ cho con ăn 3, 4 lần một tuần thôi nhé!
- Trẻ hơn 1 tuổi đã có thể ăn 2 - 3 trứng gà mỗi tuần và bé đã có thể ăn cả lòng đỏ lẫn lòng trắng trứng rồi.
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên: Nếu bé thích, mẹ có thể cho con ăn trứng mỗi ngày nhưng tốt hơn nên để con ăn thịt, cá xen kẽ nữa mẹ nhé.
Các món ăn từ trứng gà nhận được sự yêu thích của hầu hết những trẻ đang ăn dặm
Có thể bạn quan tâm
Ngày 26 tháng 03 năm 2019Lưu bài viết
Ngày 23 tháng 03 năm 2019Lưu bài viết
Cách chế biến trứng cho trẻ ăn
Cách tốt nhất là mẹ nên cho trẻ ăn trứng luộc, hoặc trứng hấp để hạn chế dầu mỡ. Khi cho trẻ ăn trứng gà luộc thì cần đảm bảo trứng chín cả lòng trắng lẫn lòng đỏ, mẹ nên cho trứng cùng với nước lã vào nồi rồi đun sôi dần và vặn nhỏ lửa đun khoảng 2 phút rồi tắt bếp ngâm trứng khoảng 5 phút. Như vậy, trứng vừa chín tới, lòng đỏ không bị chín kỹ quá, dễ hấp thu. Lúc luộc, có thể cho thêm một ít muối để giữ cho trứng không bị vỡ.
Một lưu ý nữa là mẹ nên lựa chọn trứng gà mới cho con ăn. Trứng vừa lấy ở tủ lạnh ra không nên luộc ngay, cũng không nên ngâm trong nước nóng hay luộc bằng lửa quá to vì dễ gây vỡ trứng, hoặc không chín lòng đỏ.
Bố mẹ nên cho trẻ ăn trứng gà đan xen vào các thực phẩm khác để cân bằng các dưỡng chất
Đối với những trẻ từ 6 - 12 tháng nên cho ăn bột trứng, cháo trứng ăn dặm cùng với rau vào khuấy đều nhanh tay, bột sôi lên là được. Mẹ đừng đun kỹ quá trứng khó hấp thu và cũng không nên luộc chín trứng rồi nghiền lòng đỏ rồi lại cho vào cháo cho bé.
Trẻ 1-2 tuổi có thể ăn cháo trứng, cũng tương tự như nấu bột trứng, khi cháo chín mới cho trứng, đun sôi lại là được, ngoài ra có thể cho trẻ ăn trứng luộc vừa chín tới. Đối với những trẻ từ 2 tuổi trở lên ăn cháo trứng, trứng luộc, trứng rán đúc thịt, trứng sốt cà chua ăn với cơm tùy ý thích của con mẹ nhé.