Trẻ nên bổ sung kẽm bằng thực phẩm hoặc vi chất theo chỉ định, tránh tình trạng bé chậm lớn, biếng ăn, hệ miễn dịch yếu.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Thị Yến Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, thiếu hụt kẽm là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ còi cọc, chậm phát triển do trẻ kém ăn, kém tiêu hóa, nhưng không phải ba mẹ nào cũng biết. Khoảng 25-40% trẻ em Việt Nam thiếu một hay nhiều vi chất quan trọng, trong đó có thiếu kẽm. Đặc biệt, số bé trong độ tuổi từ 6 tháng đến 7 tuổi bị thiếu kẽm lên đến 50%. Rất nhiều ba mẹ không chú ý, nhận ra con đang thiếu các vi chất quan trọng.
Thiếu kẽm dễ khiến bé lười ăn, biếng ăn. Ảnh: Shutterstock
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (Gò Vấp, TP HCM) đưa con trai 7 tuổi đi khám tại Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome Hoàng Văn Thụ, cho biết, con chị thường xuyên lười ăn, so với bạn cùng lứa, bé nhẹ cân và thấp còi hơn. Ngoài ra, bé cũng hay có triệu chứng đầy bụng, khó tiêu.
"Có hôm bé vẫn ăn đầy đủ cơm và thức ăn với sự động viên của ba mẹ. Nhưng hình như con không có cảm giác thích ăn, ăn không ngon, không cảm nhận sự kích thích của các món ăn", chị Oanh cho biết.
Theo Bác sĩ Yến Thủy, khi trẻ bị thiếu kẽm, các tế bào niêm mạc miệng không cảm nhận tốt sự kích thích của thức ăn, giảm nhạy cảm với hương vị và giảm cảm giác ngon miệng, thèm ăn. Kẽm còn có vai trò hỗ trợ quá trình chuyển hóa protein, nâng cao hệ miễn dịch. Thiếu dưỡng chất trẻ cũng dễ thiếu máu, giảm khả năng tập trung, mệt mỏi, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ... Kẽm còn có vai trò quan trọng trong việc chữa lành các thương tổn trong cơ thể, đồng thời sản sinh DNA, thiết lập bản đồ di truyền trong mỗi tế bào cơ thể.
Chế độ ăn uống chưa phù hợp là nguyên nhân chính khiến trẻ bị thiếu kẽm. Theo đó, bác sĩ Yến Thủy khuyến cáo, những chế độ hay thói quen dinh dưỡng sau đây dễ khiến trẻ thiếu hụt kẽm: ăn quá nhiều chất xơ (chỉ toàn ăn rau củ), lượng chất xơ cao sẽ làm cản trở hấp thu kẽm; bổ sung quá nhiều sắt (hơn 50-60 mg/ngày) sẽ làm cản trở hấp thu kẽm; bổ sung quá nhiều canxi photphat có nhiều trong sữa bò (1.000 mg/ngày) sẽ gây ra phản ứng khiến kẽm khó hấp thu; chế độ ăn quá nhiều axit folic (hơn 1.000 mg/ngày) có thể tương tác với kẽm, cản trở sự hấp thu kẽm vào cơ thể; trẻ bị tiêu chảy, viêm đường ruột mạn tính... cũng khiến trẻ hấp thu kẽm yếu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi thấy trẻ biếng ăn, chậm lớn, rối loạn tiêu hóa kéo dài, sụt cân, rụng tóc, móng tay xuất hiện các đốm trắng, móng dễ gãy, rêu lưỡi trắng hay bị viêm loét miệng... thì phụ huynh cần lưu ý. Trẻ có thể bị thiếu kẽm, tư vấn cách bổ sung kẽm cho bé phù hợp.
Để biết chính xác trẻ có thiếu kẽm và các vi chất hay không, theo bác sĩ chuyên khoa I - Phạm Đỗ Uyên - bác sĩ trưởng Nutrihome Hoàng Văn Thụ, ba mẹ cần cho trẻ xét nghiệm vi chất dinh dưỡng trong cơ thể. Ví dụ, hiện nay hệ thống máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC với độ nhạy và độ đặc hiệu cao, có khả năng định lượng nồng độ vi chất ở mức thấp nhất (nano gram/ml). Hệ thống máy này giúp phát hiện sớm tình trạng thiếu vi chất (vitamin A, D, E, K, B, C, sắt, kẽm, canxi...) ở trẻ em. Đây là cơ sở khoa học để bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị dinh dưỡng hiệu quả, xây dựng khẩu phần, thiết kế thực đơn khoa học cho trẻ.
Bổ sung kẽm cho trẻ hiệu quả
Bác sĩ Đỗ Uyên cho biết thêm, có 2 cách bổ sung kẽm cho trẻ mà phụ huynh có thể tham khảo là bổ sung qua thực phẩm hàng ngày hoặc qua các viên uống bổ sung vi chất. Với thực phẩm, phụ huynh nên ưu tiên cho trẻ dùng loại thực phẩm giàu kẽm như: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, thịt heo, thịt cừu, hạt bí, hạt dẻ, điều, hạnh nhân, đậu đỏ, đậu xanh, lúa mạch, ngũ cốc...
Nên bổ sung kẽm cho trẻ từ thực phẩm chế biến bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Shutterstock
Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, dùng sữa mẹ là nguồn bổ sung kẽm chất lượng, dễ hấp thu nhất. Ngoài ra, bản thân mẹ cũng cần tăng cường bổ sung kẽm từ các loại thực phẩm giàu kẽm để đảm bảo sức khỏe, có nguồn sữa mẹ chất lượng cho bé.
Với bổ sung vi chất, phụ huynh có thể cân nhắc cho trẻ dùng các sản phẩm chứa kẽm, các vi chất thiết yếu khác như lysine, selen, crom, vitamin B1... giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Đỗ Uyên, để đảm bảo an toàn trẻ cần bổ sung kẽm đúng liều khuyến cáo. Lượng kẽm cho trẻ mỗi ngày vào khoảng 0,5-1,5 mg kẽm nguyên tố/kg cân nặng/ngày tùy trường hợp. Nếu tính toán không hợp lý, trẻ hấp thu quá nhiều lượng kẽm cần thiết sẽ có thể dẫn đến những biến chứng như buồn nôn, ói, mửa, tiêu chảy, đau đầu hay co thắt bụng. Tiêu thụ kẽm quá liều trong thời gian dài còn dẫn đến những hậu quả ngộ độc lâu dài.
Bác sĩ Đỗ Uyên cảnh báo, kẽm có ảnh hưởng đến khả năng thích ăn, thèm ăn của trẻ, tuy nhiên, không phải bất cứ trẻ biếng ăn nào cũng là do thiếu kẽm và cần bổ sung. Tất cả trẻ thuộc nhóm cần bổ sung kẽm dưới dạng thuốc là những bé có biểu hiện thiếu kẽm trên lâm sàng, được chẩn đoán thiếu kẽm qua các xét nghiệm hóa sinh. Trẻ có tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa..., thì cần có chỉ định, tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi bổ sung kẽm.
Bảo An
Nguồn: https://vnexpress.net/cach-bo-sung-kem-cho-tre-bieng-an-4481314.html