Virus SARS-CoV-2 không chỉ tấn công vào hệ hô hấp mà còn xâm nhập qua đường tiêu hóa, tấn công vào các men chuyển ACE 2 và gây ra triệu chứng bất thường khiến trẻ biếng ăn ngay cả khi đang nhiễm và sau khi nhiễm COVID-19.
NỘI DUNG
Dưới đây là hướng dẫn của TS.BS. Phan Bích Nga – Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia về chế độ dinh dưỡng cho từng nhóm tuổi ở trẻ sau nhiễm COVID-19 giúp nhanh hồi phục sức khỏe.
TS.BS Phan Bích Nga – Viện Dinh dưỡng Quốc gia
1. Tại sao trẻ biếng ăn sau khi nhiễm COVID-19?
Khi mới xâm nhập vào cơ thể, virus SARS-CoV-2 tấn công theo hai con đường. Con đường thứ nhất, virus đi vào phổi qua đường hô hấp và biểu hiện bệnh COVID-19 ở phổi. Con đường thứ 2 virus xâm nhập là đường tiêu hóa, tấn công vào các men chuyển ACE 2 và gây ra triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa. Virus gắn các gai vào các tế bào của hệ thống men chuyển ACE 2. Khi virus tấn công ACE 2 sẽ khiến cơ thể giảm hấp thu các acid amin có lợi, gây loạn khuẩn đường tiêu hóa.
Các triệu chứng tiêu hóa thường thấy ở
trẻ mắc COVID-19 như:
tiêu chảy;
Chán ăn, ăn không ngon; Nôn và buồn nôn;
Hội chứng ruột kích thích; Rối loạn vi khuẩn ở đường ruột… Các triệu chứng bất thường về tiêu hóa này có thể xuất hiện cả khi người bệnh đang nhiễm virus hay trong thời kỳ sau nhiễm COVID-19.
Virus SARS-CoV-2 xâm nhập qua đường tiêu hóa, tấn công vào các men chuyển ACE 2 và gây ra triệu chứng bất thường khiến trẻ biếng ăn ngay cả khi đang nhiễm và sau khi nhiễm COVID-19
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn sau khi nhiễm COVID-19:
Do trẻ chưa khỏi COVID-19 hoàn toàn nên vẫn biếng ăn.
Trẻ biếng ăn do hệ miễn dịch bị suy giảm, cơ thể vẫn còn rất mệt mỏi do phải chống chọi với bệnh.
Khi bị COVID-19, hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng, nên sau khi nhiễm bệnh, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn bị tổn thương kéo dài, chưa hồi phục, ổn định.
Sau khi bị COVID-19, trẻ thường bị ho. Đây là một triệu chứng phổ biến xuất hiện sau khi khỏi COVID-19. Khi bị ho, trẻ thường rất khó chịu, dễ nôn, dẫn đến biếng ăn.
Do trẻ phải sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian ốm: dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, khiến trẻ biếng ăn và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Thay đổi vị giác, khứu giác: Cứ 4 trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi thì có 1 người bị COVID-19 thay đổi khứu giác và vị giác. Điều này có thể có ảnh hưởng đến thói quen ăn uống, khiến trẻ biếng ăn.
Cứ 4 trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi thì có 1 người bị COVID-19 thay đổi khứu giác và vị giác. Ảnh: Ngân Phạm
2. Chế độ dinh dưỡng đối với từng nhóm tuổi ở trẻ sau nhiễm COVID-19
Với trẻ biếng ăn sau khi nhiễm COVID-19, nếu trẻ còn mệt, không nên ép trẻ ăn nhiều trong một bữa. Ưu tiên các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa. Nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa trong ngày. Trẻ ăn ít một sẽ dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Đối với trẻ còn bú cũng vậy, nên cho trẻ bú theo nhu cầu, bú làm nhiều lần khi trẻ thấy dễ chịu.
Chế độ ăn cho trẻ mắc COVID-19 cần cân đối hàng ngày với 4 yếu tố chính: glucid, lipid (lipid động vật và lipid thực vật), protein (protein động vật và thực vật). vitamin và khoáng chất. Trẻ phải ít nhất có 1 bữa ăn trong ngày có cân đối khẩu phần.
- Hàng ngày phải ăn ít nhất là 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).
- Cung cấp đủ nước, đặc biệt là nước trái cây tươi.
- Khuyến khích trẻ 1-2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ) và trẻ >2 tuổi 500ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).
- Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao (1Kcal/ml) thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường. Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào <70% nhu cầu bình thường so với tuổi, cần tham vấn bác sĩ.
Đối với trẻ từ 12-24 tháng tuổi
- Bú mẹ hoặc dùng sữa công thức theo đúng lứa tuổi khi không có sữa mẹ.
- Ngày ăn 3 bữa cháo đặc, mỗi bữa 250ml + hoa quả nghiền: 60ml -100ml.
Đối với trẻ từ 2-5 tuổi
Độ tuổi này, nhu cầu năng lượng của trẻ khoảng 1000-1300 Kcal; Lượng thực phẩm trẻ dùng trong 1 ngày bao gồm:
- Gạo: 130g
- Thịt cá: 145g
- Hoa quả: 150g
- Rau xanh: 150g
- Dầu ăn: 20ml
- Sữa công thức: 300-500ml
Đối với trẻ từ 6-9 tuổi
Nhu cầu năng lượng: 1500-1800 Kcal; Lượng thực phẩm trẻ dùng trong 1 ngày bao gồm:
- Gạo: 200g
- Thịt cá: 190g
- Hoa quả: 150g
- Rau xanh: 170g
- Dầu ăn: 25ml
- Sữa công thức: 400ml
Đối với trẻ từ 10-12 tuổi
- Nhu cầu năng lượng: 2000-2100 Kcal; Lượng thực phẩm trẻ dùng trong 1 ngày bao gồm:
- Gạo: 260g
- Thịt cá: 230g
- Hoa quả: 160g
- Rau xanh: 200g
- Dầu ăn: 30ml
- Sữa công thức: 500ml
Đối với trẻ từ 13-15 tuổi
Nhu cầu năng lượng: 2300-2500 Kcal; Lượng thực phẩm trẻ dùng trong 1 ngày bao gồm:
- Gạo: 330g
- Thịt cá: 290g
- Hoa quả: 170g
- Rau xanh: 250g
- Dầu ăn: 30ml
- Sữa công thức: 500ml
Với trẻ biếng ăn sau khi nhiễm COVID-19, nếu trẻ còn mệt, không nên ép trẻ ăn nhiều trong một bữa. Ưu tiên các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa.
3. Những thực phẩm nhanh hồi phục sức khỏe cho trẻ hậu COVID - 19
Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Kết hợp giữa đạm động vật và đạm thực vật: ưu tiên những loại đạm có giá trị sinh học cao như trứng, sữa cho trẻ
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất cho trẻ :
Những thực phẩm giàu vitamin A giúp duy trì sự toàn vẹn của hệ tiêu hóa, tạo kháng thể trên bề mặt niêm mạc, tăng đề kháng, tốt cho thị lực. Gan, trứng, sữa, các loại rau củ quả, trái cây có màu xanh hoặc vàng là thực phẩm giàu vitamin A.
Những thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường miễn dịch, hạn chế sự tiến triển của viêm phổi do virus, cải thiện chức năng hô hấp. Vitamin C có trong cam, quýt, ổi, cà chua, bông cải xanh, rau cải...
Những thực phẩm giàu vitamin D giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Thiếu vitamin D gây còi xương, chậm lớn, thấp bé. Vitamin D có trong các loại cá béo, nấm, hải sản, lòng đỏ trứng...
Những thực phẩm giàu vitamin E giúp thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch, chống lão hóa và oxy hóa. Vitamin E có trong hạnh nhân, hạt dẻ, rau bina, rau cải xanh...
Những thực phẩm giàu kẽm như: thịt bò, thịt gà, cá, trứng, sữa tươi nguyên chất, phô mai.
Những thực phẩm giàu Omega-3 giúp cải thiện hệ miễn dịch và chống viêm. Thực phẩm giàu Omega-3 có nguồn gốc thực vật như: hạt óc chó, hạt chia, hạt lý chua đen.... Thực phẩm giàu Omega-3 có nguồn gốc động vật thường có trong các loại cá biển, như cá hồi, cá basa...
Ngoài ra, trẻ cũng cần được bổ sung probiotic, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng.
Hạn chế đồ chiên, dầu mỡ đối với trẻ sau nhiễm COVID-19
4. Những thực phẩm trẻ sau nhiễm COVID-19 không nên ăn nhiều
Hạn chế đồ chiên, dầu mỡ: lựa chọn những đồ dễ tiêu hoá thay vì có đồ chiên, rán nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, lượng dầu mỡ quá nhiều còn gây ngán và cản trở quá trình hấp thu của các chất khác.
Không nên cho trẻ ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: nội tạng động vật, óc... Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần và uống thêm sữa từ 1-2 cốc/ngày.
Không cho trẻ ăn mặn và các loại thực phẩm có nhiều muối như: giò, chả, xúc xích, đồ hộp, đồ biển, đồ khô.
Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.
Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt bánh kẹo ngọt…