Nếu phát hiện con bị suy dinh dưỡng, cần nhanh chóng điều chỉnh khẩu phần ăn và xem xét mức dung nạp dinh dưỡng vào cơ thể con.
Công thức tính cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ theo độ tuổi như sau: X = 9kg + 2kg (N – 1); Y = 75cm + 5cm x (N – 1) với X là số cân nặng cần tính, Y là số chiều cao cần tính và N là số tuổi của con. Dựa trên cách tính này, chị em có thể biết được con yêu có các chỉ số cân nặng, chiều cao như thế nào so với bạn bè cùng lứa.
Các lưu ý khi chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng:
1. Vệ sinh ăn uống: Đảm bảo cho trẻ ăn chín uống sôi, ăn ngay sau khi nấu. Nếu thức ăn để ngoài không khí quá 3 giờ, nên đun sôi lại rồi mới cho con dùng. Tập thói quen cho trẻ rửa tay trước và sau khi ăn. Các dụng cụ cần được rửa sạch trước khi chế biến thức ăn.
2. Vệ sinh cá nhân: Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ 1 ngày 2 lần, nhất là vào mùa nóng, giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh. Là ủi quần áo cho con trước khi mặc để tránh bị ẩm mốc bám lên da. Tập cho con thói quen đánh răng mỗi ngày vào sáng, tối và sau khi ăn. Luôn hướng dẫn con giữ tay sạch sẽ, đồng thời mẹ nên thường xuyên cắt móng tay và rửa tay cho con sau khi vấy bẩn, nhắc nhở con không được mút tay,v.v..
Với trẻ suy dinh dưỡng, mẹ không chỉ cần chú ý chuyện ăn uống mà còn nhiều vấn đề khác
3. Vệ sinh môi trường: Diệt ruồi, muỗi, lăng quăng, làm thông thoáng cây xanh xung quanh nhà, luôn giữ môi trường sống quanh trẻ sạch sẽ và thoáng mát. Thường xuyên rửa đồ chơi cho trẻ, giặt giũ thú bông định kỳ hàng tuần. Dùng thùng rác có nắp đậy và để ở chỗ kín xa nơi vui chơi, học tập, nghỉ ngơi của trẻ.
4. Theo dõi tâm lý của trẻ: Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ mà nhiều người vô tình bỏ qua. Ba mẹ cần theo dõi sự phát triển tâm lý của bé để có thể tâm sự với con và hiểu rõ con hơn. Đồng thời, ba mẹ cần lưu ý tránh xung đột trước mặt con.
5. Tủ thuốc của bé: Trong tủ thuốc gia đình, các mẹ nên có sẵn các loại thuốc sau: Paracetamol để hạ sốt trẻ em dạng gói để uống và viên đặt hậu môn, tuỳ theo độ tuổi và cân nặng của trẻ mà dùng liều lượng phù hợp, miếng dán hạ sốt, cặp thuỷ đo nhiệt độ, dầu khuynh diệp, nước muối sinh lý nhỏ mắt mũi Nacl 0.9% và bông băng, băng dán cá nhân,.. để hỗ trợ sơ cấp cứu kịp thời khi con sốt cao, viêm mũi họng cấp hoặc té ngã chảy máu, trước khi đưa con vào bệnh viện.
6. Dinh dưỡng cho bé khi đau ốm:
Sau một đợt bệnh, bé yêu nhà bạn bắt đầu kén ăn và tiêu hoá kém, đây là giai đoạn bé có thể bắt đầu suy dinh dưỡng dần dần. Lúc này, mẹ cần hỗ trợ con bằng mọi cách có thể, chẳng hạn như chia nhỏ bữa ăn hàng ngày ra cho con. Ví dụ một ngày bình thường con ăn 3 bữa chính và 3 cữ sữa , mẹ có thể chia nhỏ ra thành 5 bữa ăn và 3 cữ sữa, mỗi cữ cách nhau một đến một tiếng rưỡi. Chế biến đa dạng thực phẩm và cho con ăn tráng miệng với nhiều loại trái cây khác nhau. Cho thêm dầu ăn, dầu ôliu hoặc dầu cá hồi vào mỗi bữa ăn của con. Khi trẻ biếng ăn, khẩu vị có thể thay đồi nên cần chế biến thức ăn cho trẻ mỗi ngày nên đậm đà hơn thường lệ một tí, giúp trẻ cảm thấy ngon miệng hơn.