Tiêu chảy là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.
Biểu hiện của tiêu chảy
Bình thường số lượng phân thải ra hàng ngày khác nhau tùy theo chế độ ăn và đặc điểm từng người, từng lứa tuổi. Khi phân có biểu hiện bất thường (lỏng nước hoặc có máu, nhầy) và đi ngoài trên 3 lần/ ngày thì gọi là bị tiêu chảy. Tiêu chảy cấp thường xảy ra đột ngột và diễn biến trong vài ngày. Tiêu chảy rất hay gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi. Trẻ dưới 6 tháng nuôi bằng sữa bò hoặc các thức ăn khác cũng dễ bị tiêu chảy. Lưu ý, trẻ nhỏ đi ngoài phân nhão 3 - 4 lần/ ngày mà cơ thể vẫn phát triển tốt thì không phải là tiêu chảy. Nếu đợt tiêu chảy kéo dài trên 14 ngày, là tiêu chảy kéo dài.
Cà rốt chứa nhiều pectin và lignin tốt cho điều trị bệnh tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy trẻ thường mệt mỏi, kém ăn, không chịu chơi, tiêu chảy phân lỏng nhiều lần trong ngày, nôn, mất nước. Kèm theo đó, trẻ có thể sốt, trướng bụng, tiêu chảy phân có nhầy, có máu, mót rặn đau quặn bụng trong trường hợp tiêu chảy ra vi khuẩn lỵ…
Nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em có thể do Rotavirus, do nhiễm độc thức ăn, nước uống, nhiễm khuẩn E. Coli, tả, lỵ…
Những điều cần làm
Khi bị tiêu chảy cơ thể mất nước nhiều, do đó cần phải bù nước, điện giải. Cho trẻ uống các loại nước như: nước rau, nước cháo, nước quả tươi, nước oresol. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước cho trẻ uống dung dịch oresol sau mỗi lần đi ngoài như sau: trẻ dưới 2 tuổi: 50 - 100ml; trẻ 2 - 10 tuổi: 100 - 200ml; trẻ trên 10 tuổi: uống theo nhu cầu. Số lượng dung dịch cần cho trẻ uống trong 4 giờ đầu có thể tính như sau: số lượng dung dịch cần uống (ml) = cân nặng của trẻ (kg) x 75.
Tiếp tục cho trẻ ăn trong và sau khi tiêu chảy: Mặc dù trong thời gian bị tiêu chảy, sự hấp thu thức ăn có giảm hơn bình thường, nhưng lượng hấp thu qua ruột vẫn được khoảng 60%, do đó trong suốt quá trình tiêu chảy trẻ cần được ăn uống đầy đủ, nên ăn làm nhiều bữa (5 - 7 bữa/ngày). Nếu trẻ ăn ít hoặc ăn vào bị nôn thì cho ăn mỗi bữa ít hơn và tăng số bữa so với thực đơn. Nếu trẻ ăn sữa theo công thức mà tiêu chảy tăng lên thì thay bằng sữa đậu nành, sữa không có lactose hoặc cho ăn sữa chua làm từ sữa pha loãng giống như các bữa sữa nước của trẻ. Từ ngày thứ 5, nếu trẻ đã bớt tiêu chảy, chuyển dần về chế độ ăn bình thường. Sau khi ngừng tiêu chảy, trẻ cần được ăn thêm ít nhất 1 bữa nữa kéo dài trong 2 tuần để đảm bảo cho trẻ không bị suy dinh dưỡng sau tiêu chảy.
Không cho trẻ sử dụng các loại nước ngọt và thực phẩm nhiều đường khi bị tiêu chảy
Tùy theo lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi bị tiêu chảy để sử dụng chế độ ăn thích hợp: Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ: tiếp tục cho bú bình thường và tăng số lần bú. Nếu trẻ không có sữa mẹ thì cho trẻ ăn sữa bò hoặc sữa bột công thức mà trước đó trẻ vẫn ăn nhưng phải pha loãng ½ trong vòng 2 ngày. Trẻ từ 6 tháng tuổi: ngoài sữa mẹ và sữa thay thế như trên cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa… và cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: chuối, cam, xoài, đu đủ, hồng xiêm… để tăng thêm lượng kali, beta caroten, vitamin C…
Tuyệt đối không cho trẻ ăn cháo muối hoặc bột muối, vẫn cho trẻ ăn các món ăn như thường ngày không phải kiêng khem gì. Không cho trẻ ăn những thực phẩm cứng như: rau già, thịt nhiều gân xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như các loại rau thô: rau cần, măng, hoặc tinh bột nguyên hạt khó tiêu như ngô, đỗ. Tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp, các loại thức ăn chứa nhiều đường, vì các thức ăn này có thể làm tăng tiêu chảy do làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo nước từ tế bào vào lòng ruột. Nên dùng những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như trứng, cá, thịt nạc tươi, dùng dầu thay mỡ. Dùng thêm những thực phẩm có tác dụng tốt điều trị tiêu chảy như cà rốt, chuối ương, hồng xiêm… vì trong chúng có khá nhiều pectin và lignin, các chất này có tác dụng hút nước trong ruột và trương lên như một chất keo, hút tất cả các sản phẩm bệnh lý của ruột để kéo ra ngoài, như vậy làm phân đặc lại và làm sạch ruột. Ngoài ra những thực phẩm này còn cung cấp các chất dinh dưỡng như protein, glucid, các vitamin, đặc biệt củ cà rốt có nhiều tiền vitamin A (caroten 16,20mg %) và các chất khoáng để bù điện giải cho tiêu chảy.
Lưu ý: Khi chế biến thức ăn cho trẻ phải rửa tay bằng xà phòng, chọn nguồn thực phẩm sạch, tiệt trùng bằng nước sôi các dụng cụ bát, thìa, nồi, dao, thớt… Nấu chín kỹ và loãng hơn so với bình thường để trẻ dễ ăn, dễ tiêu hóa hơn.
BS. Như Quỳnh
Nguồn https://suckhoedoisong.vn