Không ép bé ăn quá nhiều, sử dụng dầu ăn cho trẻ em để làm tăng hương vị của món ăn… là hai trong số những “tuyệt chiêu” giúp bé luôn hào hứng với các bữa ăn.
Trẻ biếng ăn là một trong những điều khiến cha mẹ đau đầu khi nuôi con. Nhiều gia đình đã loay hoay thử đủ cách mà bé vẫn không hứng thú với các bữa ăn hàng ngày. TS.BS Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết:
“Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn như cha mẹ mắc sai lầm khi chế biến thức ăn như không thay đổi thực phẩm các bữa ăn khiến thực đơn quá nhàm chán, thời gian chuyển tiếp chế độ ăn của bé không hợp lý quá sớm hoặc quá muộn hay trẻ bị cha mẹ ép ăn quá nhiều thức ăn chứa các chất bổ dưỡng, số bữa quá dày khiến trẻ sợ ăn… Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ khiến trẻ bị chậm lên cân sau đó là ảnh hưởng chiều cao, và ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí não của trẻ”.
Với kinh nghiệm nhiều năm khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em, TS.BS Phan Bích Nga đã đưa ra những lời khuyên bổ ích giúp các phụ huynh đối phó với chứng biếng ăn ở trẻ:
Không ép bé ăn
Nhiều cha mẹ luôn lo lắng con bị suy dinh dưỡng nên ép bé ăn mọi lúc mọi nơi với đủ loại thức ăn bổ dưỡng mà không hề để ý tới cảm giác của bé. Theo BS Phan Bích Nga, việc ép trẻ ăn sẽ khiến cho trẻ mắc chứng biếng ăn tâm lý, gây rối loạn hành vi ăn uống của trẻ và có nguy cơ làm tổn thương tình cảm cha mẹ - con cái.
Nhấn để phóng to ảnh
Trẻ biếng ăn là một trong những điều khiến cha mẹ đau đầu.
“Đối phó” với chứng biếng ăn của con, cha mẹ nên đưa đồ ăn ra cho trẻ từ từ, trẻ ăn hết lại đưa ra tiếp, nếu cần có thể chia nhỏ bữa ăn để giúp trẻ ăn đủ lượng thức ăn cần thiết mà hệ tiêu hóa của trẻ lại không bị quá tải. Bên cạnh đó, người lớn nên tôn trọng sở thích ăn uống của bé, tuyệt đối không tạo không khí căng thẳng khi bé ăn, nên chú ý nhận biết dấu hiệu đói của trẻ, nên để trẻ được tự xúc đồ ăn, chấp nhận trẻ làm vãi và dây bẩn thức ăn.
Cho bé ăn đều đặn
Nếu cha mẹ cho bé ăn uống tự do, không theo giờ giấc sẽ khiến trẻ giảm cảm giác ngon miệng khi tới bữa chính. Việc cho trẻ ăn các bữa chính và bữa ăn phụ đều đặn vào một khung giờ hàng ngày sẽ giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống khoa học. Nên sắp xếp bữa ăn hợp lý bữa chính xen kẽ bữa phụ thay vì 2 bữa chính liền nhau, khi gần bữa chính nếu bé đòi ăn cũng chỉ cho uống nước để chờ đến bữa ăn chính cho ngon miệng.
Thói quen này giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều so với khi ăn uống thất thường. Các bậc phụ huynh cũng chỉ nên cho bé uống sữa hay nước trái cây theo giờ nhất định thay vì để bé uống tự do suốt cả ngày.
Tắt tivi, cất điện thoại khi bé ăn
Cho trẻ xem tivi hoặc phân tán sự chú ý của trẻ bằng những trò chơi trong khi ăn sẽ khiến trẻ hấp thu thức ăn một cách thụ động, không những không tốt cho hệ tiêu hóa mà còn khiến trẻ hình thành những thói quen xấu khi ăn.
Nếu liên tục cho trẻ xem tivi trong một thời gian dài sẽ khiến bé giảm hứng thú với bữa ăn, lâu dần dẫn đến biếng ăn. Vì vậy, khi đến giờ ăn, cha mẹ nên tắt tivi, không cho bé chơi game trên điện thoại, ipad để bé chú tâm vào đồ ăn.
Cùng bé đi chợ, vào bếp
Cho bé quyền lựa chọn các loại rau củ, hoa quả… khi đi chợ chính là cách cha mẹ khơi gợi hứng thú với đồ ăn trong bé. Trước mặt bé, các mẹ tuyệt đối không nên chọn những loại thực phẩm mà bé không thích ăn. Khi đến giờ nấu cơm, các phụ huynh cũng có thể khuyến khích bé cùng vào bếp bằng cách phụ giúp những việc nhỏ như nhặt rau, rửa hoa quả…
Cảm giác được lựa chọn loại thực phẩm mà mình yêu thích hay giúp đỡ cha mẹ nấu ăn sẽ tạo nên tâm lý hứng thú với bữa ăn. Nếu kiên trì thực hiện, cha mẹ sẽ loại bỏ được chứng biếng ăn ở trẻ.
Chế biến món ăn hợp khẩu vị với bé
Để giúp con ăn ngon miệng, mẹ cần hiểu rõ khẩu vị của bé. Từ khi xây dựng chế độ dinh dưỡng ăn dặm cũng như chế độ ăn của các bé trên hai tuổi, cha mẹ nên ưu tiên chọn lựa những loại thực phẩm có lợi cho sự phát triển thể chất và trí não trẻ như trứng, sữa, các loại cá nước lạnh, cà-rốt, bí đỏ, dầu ô-liu, rau xanh… Đồng thời, mỗi mẹ nên “bỏ túi” thật nhiều công thức chế biến món ăn để thường xuyên đổi món cho bé.