Bên cạnh việc theo dõi phát hiện sớm trẻ có các triệu chứng hậu COVID-19 để xử lý kịp thời, các gia đình cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nhất là đối với trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện hoặc trẻ thường xuyên ốm vặt...
Thông tin trên được các chuyên gia nhi khoa nhấn mạnh tại hội thảo khoa học "Nâng cao kiến thức dinh dưỡng miễn dịch giai đoạn 2022-2024" đầu tiên trong chuỗi hội thảo cùng chung chủ đề do Bộ Y tế phối hợp với VitaDairy Việt Nam tổ chức.
Trang bị cho người dân ý thức tăng cường sức khỏe để sống chung an toàn với dịch bệnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ Y tế xem việc trang bị kiến thức cho người dân, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, nâng cao ý thức tự tăng cường sức khỏe nói chung và sức đề kháng nói riêng để chung sống an toàn với dịch là nhiệm vụ quan trọng. Bằng cách đó, chúng ta sẽ có một Việt Nam khỏe mạnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, khi COVID-19 trở thành "bệnh đặc hữu".
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng hơn 490.000 trẻ. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.
Đặc biệt, qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Hơn nữa, còn có những trường hợp trẻ bị viêm đa hệ thống, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ về lâu dài. Một trong những giải pháp là chuẩn bị cho trẻ nền tảng sức khỏe tốt để giảm thiểu các nguy cơ.
Ông Nguyễn Đình Anh- Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Bộ Y Tế tham dự và phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các báo cáo cũng chỉ ra, hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ thay đổi và phát triển theo từng giai đoạn khác nhau: Trước 6 tháng, trẻ nhận kháng thể từ mẹ truyền sang trong giai đoạn bào thai và lúc sinh nên có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Qua 6 tháng, lượng kháng thể dự trữ không còn, trong khi cơ thể chưa tự sinh ra được đủ kháng thể nên hệ miễn dịch của trẻ rất yếu và luôn có nguy cơ nhiễm bệnh, giai đoạn này kéo dài tới 36 tháng hoặc hơn nữa. Các chuyên gia y tế thường nhắc đến giai đoạn 6-36 tháng tuổi là giai đoạn "khoảng trống miễn dịch".
Như vậy, ngoài việc phải đối diện với các nguy cơ gây bệnh thông thường như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, vi khuẩn kháng kháng sinh… Với tình hình dịch bệnh, trẻ còn phải đối diện với nguy cơ mắc COVID-19 và hậu COVID-19.
Đặc biệt, trong giai đoạn "khoảng trống miễn dịch" hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, khi gặp các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm mốc… trẻ rất dễ mắc bệnh do miễn dịch chưa hoàn thiện. Do vậy, việc bổ sung dinh dưỡng miễn dịch để tăng cường kháng thể, nâng cao sức khỏe trong giai đoạn khoảng trống này là rất quan trọng.
Chú trọng dinh dưỡng cho trẻ, nhất là trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện hoặc trẻ thường xuyên ốm vặt
Chia sẻ về giải pháp, PGS.TS Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội cho biết: Bên cạnh việc theo dõi phát hiện sớm trẻ có các triệu chứng hậu COVID-19 để xử lý kịp thời, gia đình cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nhất là đối với trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện hoặc trẻ thường xuyên ốm vặt.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ nhanh chóng giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, cải thiện các chức năng cho cơ thể. Đặc biệt, dinh dưỡng miễn dịch rất tiềm năng trong mục tiêu tăng cường và cải thiện miễn dịch cho nhiều đối tượng, nhất là trẻ em.
Theo các chuyên gia nhi khoa bên cạnh việc theo dõi phát hiện sớm trẻ có các triệu chứng hậu COVID-19 để xử lý kịp thời, các gia đình cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nhất là đối với trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện hoặc trẻ thường xuyên ốm vặt...
Trong đó, kháng thể IgG từ sữa non là thành phần dinh dưỡng miễn dịch có tác dụng trực tiếp giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch.
Kháng thể IgG tự nhiên từ sữa non có tác dụng kháng khuẩn trực tiếp, trung hòa nội độc tố vi khuẩn tại toàn bộ đường tiêu hóa, cũng như có các hoạt tính sinh học khác giúp ức chế tình trạng viêm tại ruột, thúc đẩy tái tạo lớp màng nhầy, phục hồi tổn thương mô, có vai trò đặc biệt trong việc phòng chống nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp ở trẻ em.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, kháng thể IgG từ sữa non có tác dụng dự phòng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp ở trẻ, giúp giảm số lần mắc bệnh trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch. Củng cố hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe từ bên trong chính là cách bảo vệ bé tốt nhất trong mùa dịch bệnh như hiện nay.
Với tình hình dịch COVID-19 diễn ra trong hơn 2 năm qua, Bộ Y tế xem việc trang bị kiến thức cho người dân, nâng cao ý thức tự tăng cường sức khỏe nói chung và sức đề kháng nói riêng để chung sống an toàn với đại dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng.
Đặc biệt, đây là giai đoạn cần đẩy mạnh truyền thông chăm sóc sức khỏe đối với những người đã mắc COVID-19 đang trong quá trình bình phục.
Chuỗi hội thảo khoa học "Nâng cao kiến thức dinh dưỡng miễn dịch giai đoạn 2022-2024" được kỳ vọng không chỉ tăng cường truyền thông và cung cấp kiến thức chuyên môn về vai trò của hệ miễn dịch, dinh dưỡng miễn dịch và biện pháp tăng cường miễn dịch thông qua dinh dưỡng với cán bộ y tế, mà còn giúp cộng đồng cập nhật những kiến thức hữu ích nhất về ứng dụng dinh dưỡng miễn dịch trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
Đặc biệt là trẻ nhỏ, giúp trẻ có nền tảng miễn dịch khỏe, phát triển toàn diện từ bên trong, góp phần bảo vệ toàn dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tiếp tục.
Chuỗi hội thảo đã được diễn ra tại nhiều tỉnh/thành phố lớn như Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ… và sẽ tiếp tục được triển khai tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.