Với người lớn, việc nhâm nhi một tách trà hoa cúc sẽ giúp bạn thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng và dễ thiếp đi hơn. Vậy liệu với trẻ em, công dụng của trà hoa cúc mang lại sẽ là gì?
Trà hoa cúc là thức uống khá phổ biến hiện nay. Điểm thú vị rằng trà được pha từ hoa cúc khô và nước nóng chứ không phải là lá trà. Theo cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), trà hoa cúc đã có thể dùng cho bé từ 6 tháng tuổi trở lên, nhưng an toàn nhất vẫn nên bắt đầu khi trẻ được 1 tuổi vì lúc này, bé đã được làm quen với nhiều món ăn và nguy cơ bị dị ứng thực phẩm ở trẻ em sẽ thấp hơn.
Dẫu vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con sử dụng trà. Nếu được bác sĩ đồng ý, mẹ hãy bắt đầu cho con uống từ từ với lượng nhỏ. Trên thực tế, công dụng của trà hoa cúc mang lại cho sức khỏe trẻ em là rất lớn.
Điểm nhanh những công dụng tuyệt vời của trà hoa cúc với trẻ nhỏ
Dưới đây là những công dụng của trà hoa cúc đối với sức khỏe bé yêu:
- Xoa dịu cơn đau bụng và quấy khóc: Nghiên cứu cho thấy trà hoa cúc có tác dụng giúp kiểm soát cơn đau bụng ở trẻ. Theo đó, việc thường xuyên uống trà này sẽ giúp trẻ giảm bớt những cơn đau bụng mạn tính. Trẻ hay quấy khóc sau khi dùng trà cũng cảm thấy dễ chịu hơn mặc dù lý do vì sao vẫn chưa được biết rõ
- Giúp trẻ ngon giấc hơn: Tác dụng của trà hoa của này đến từ hoạt chất chống oxy hóa apigenin liên kết với một số thụ thể trong não ngăn hiện tượng trằn trọc, khó ngủ
- Xoa dịu đường tiêu hóa: Nhiều dưỡng chất được tìm thấy trong trà có thể giúp làm dịu hệ tiêu hóa, tối ưu sự hấp thu dinh dưỡng, phòng tình trạng sinh khí trong bụng và giảm các cơn co thắt dạ dày
- Chữa cảm lạnh: Trà giúp giảm sự khó chịu đường hô hấp trên do cảm lạnh và ho nhiều nhờ đặc tính chống viêm tự nhiên. Trẻ uống trà hoa cúc khi bị cảm lạnh sẽ dễ thở hơn và ngủ ngon hơn
- Giảm viêm: Chất chống oxy hóa trong trà giúp làm giảm viêm cho cơ thể. Nên công dụng của trà hoa cúc có thể xoa dịu các vấn đề về da như bỏng nắng hay hăm tã. Trà còn giúp giảm sưng tấy và kích ứng nướu trẻ khi mọc răng
- Xoa dịu các bệnh về đường tiêu hóa: Trà có thể xoa dịu các bệnh đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích và trào ngược dạ dày thực quản do khả năng giảm nồng độ axit và sức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại.
Lượng trà thích hợp mà trẻ có thể dùng là bao nhiêu?
Vậy là bạn đã rõ công dụng của trà hoa cúc đối với trẻ. Khi mới uống lần đầu, bạn có thể cho con dùng khoảng 15ml. Nếu thấy con phản ứng tốt mà không có biểu hiện gì lạ, mẹ hãy tăng lên thành 30ml mỗi khi mỗi khi trẻ quấy khóc, đau bụng hay những tình huống khác mà trà có thể giúp làm trẻ dịu lại.
Một nghiên cứu đã chỉ ra bạn nên cho trẻ dùng khoảng 150ml trà để có thể đạt được lợi ích tối ưu ở trẻ. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho con uống tối đa từ 60 – 90ml trà mỗi ngày để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Mẹo chọn trà nhằm phát huy tối đa công dụng của trà hoa cúc
Bạn hãy tham khảo những cách sau để lựa trà chất lượng và an toàn hơn:
- Chọn nơi bán tin cậy: Bạn chỉ nên mua trà được sản xuất từ công ty có uy tín và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này giúp bạn mua được trà nguyên chất và tránh hàng giả
- Chỉ mua trà đã đóng thành túi: Các gói trà được các công ty sản xuất và thường được chia thành các dạng túi nhỏ sẽ giúp trà ít bị nhiễm khuẩn dù bạn đã mở bao bì
- Không nên mua trà không được đóng gói: Nghiên cứu cho thấy trà bán trong các cửa hàng thảo dược thường bị nhiễm Clostridium botulinum, một loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
- Chọn trà nguyên chất: Đảm bảo rằng bạn chỉ mua túi trà hoa cúc nguyên chất, không thêm các thành phần khác như bạc hà, lá trà hay thảo dược khác vì bạn không biết trẻ có bị dị ứng với các chất đó hay không.
Sau khi đã mua được trà đáng tin cậy, bạn cần đến cách chế biến trà hoa cúc cho bé.
Hướng dẫn cách làm trà hoa cúc cho trẻ
Bạn hãy làm theo những bước sau nếu sử dụng trà túi lọc để phát huy hết công dụng của trà hoa cúc với con yêu nhé:
- Bước 1: Đun sôi nước
- Bước 2: Đặt túi trà vào ly và rót nước sôi vào
- Bước 3: Để trà ngâm trong 10 phút
- Bước 4: Lấy túi trà ra và đợi trà nguội bớt
- Bước 5: Cho trẻ uống bằng muỗng hay dùng bình bú. Trẻ từ 1 tuổi trở lên có thể thêm vào một chút mật ong tạo vị.
Dù trà hoa cúc rất có lợi nhưng bạn vẫn cần biết thêm về những tác dụng phụ của nó.
Tác dụng phụ của trà hoa cúc
Bên cạnh những công dụng của trà hoa cúc với sức khỏe, loại trà này cũng tiềm ẩn một số mặt hạn chế như sau:
- Dị ứng: Trẻ bị dị ứng có những triệu chứng gồm phát ban ngoài da, nôn ói, buồn nôn, sưng mặt hay mệt mỏi kéo dài. Dị ứng nghiêm trọng hơn có thể gây tình trạng sốc phản vệ với các triệu chứng khác. Bạn hãy đưa trẻ đi bác sĩ ngay khi có những biểu hiện trên. Trẻ dị ứng với hoa cúc cũng có nguy cơ dị ứng chéo với cây cỏ sốt, cây kế sữa…
- Trà phản ứng với thuốc: Trà hoa cúc có thể phản ứng với nhiều thuốc như thuốc kháng nấm. Vì thế, nếu trẻ đang dùng thuốc nào đó, bạn hãy hỏi bác sĩ xem thuốc đó có phản ứng với trà không.
- Trà phản ứng với những thức ăn khác: Trà có thể phản ứng với các thức ăn khác của trẻ như các loại thực vật cùng họ với hoa cúc như hướng dương.
- Làm nặng thêm tình trạng bệnh: Nếu trẻ mắc các bệnh bẩm sinh thì trà có thể khiến bệnh trẻ nặng và phức tạp hơn. Ví dụ: nếu trẻ bị đái tháo đường tuýp 1, trà sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao và gây hại cho trẻ. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống trà nếu trẻ mắc phải các bệnh bẩm sinh để tránh biến chứng.
Tuy công dụng của trà hoa cúc cho bé là rất tuyệt vời, nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tìm hiểu cách mua trà chất lượng và cho trẻ uống lượng vừa đủ nhé.