Khi con bạn thường xuyên biếng ăn, nghĩa là bé đã thiếu hụt một loại vitamin hay khoáng chất nào đó. Nếu trẻ lại chậm lớn, da khô ráp, mắt khô, hay ho, tiêu chảy, thì đó là dấu hiệu thiếu vitamin A, có nhiều trong gan, trứng gà, lươn…
Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin và khoáng, tuy không cung cấp năng lượng nhưng lại không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Với trẻ em, các vi chất cần thiết nhất bao gồm vitamin A, sắt, kẽm, vitamin D, canxi, vitamin B…
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, biếng ăn, sức đề kháng giảm dẫn đến hay ốm là hậu quả tất yếu của tình trạng thiếu vi chất. Ngoài ra, việc thiếu từng chất cụ thể sẽ có những dấu hiệu đặc trưng.
Thiếu kẽm
Chiều cao kém phát triển, tóc khô, móng tay mềm dễ gãy, vết thương khó lành, hay bị cảm lạnh và bị các bệnh nhiễm trùng, cơ nhão. Thực phẩm giàu kẽm gồm sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà.
Thiếu sắt
Da, dẻ xanh, nhợt nhạt, môi không hồng, móng tay màu nhợt, mềm và dễ gãy. Trẻ hay ngứa, gãi, dễ mệt mỏi nên ít đùa nghịch. Sắt có nhiều trong gan, bầu dục lợn, mề gà, lòng đỏ trứng gà, tim lợn, mộc nhĩ, nấm hương.
Thiếu vitamin C
Lợi sưng, dễ chảy máu, vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, dễ ốm vặt. Trẻ hay mệt mỏi khi hoạt động. Chất này có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót.
Thiếu vitamin D và canxi
Chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm nhất là ở phần đầu, tóc rụng thành một vành sau gáy. Canxi có nhiều trong tôm, cua, trai, ốc, phó mát. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng, và qua các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan.
Thiếu vitamin B
Phù nề, dễ mọc mụn nhiệt quanh vòm miệng, da tay chân nóng và dễ viêm, dễ rối loạn tiêu hóa, hay nôn, chán ăn, tinh thần không phấn chấn. Vitamin B có nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên cám, đậu đỗ, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, lê, sữa, pho mát…