Mỗi bữa ăn trong ngày của trẻ có một nhiệm vụ khác nhau nhằm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ để cung cấp đa năng lượng, vitamin, prôtêin và chất khoáng cho bé yêu hoạt động cả ngày.
Bữa sáng
Bữa sáng rất quan trọng để nạp nguồn dinh dưỡng cho trẻ. Bữa tối và bữa sáng thường cách nhau khoảng mười hai tiếng. Như vậy, qua một đêm dài, lượng thức ăn trong bữa tối đã được tiêu thụ hết. Lúc này, bé cần bữa điểm tâm cung cấp năng lượng cần thiết cho đến trưa.
Buổi sáng là khoảng thời gian cơ thể làm việc nhiều nhất. Khả năng tiếp thu bài vở cũng tốt hơn nên những môn học nặng thường được xếp vào buổi sáng. Chính vì vậy, bé cần được nạp nhiên liệu cho não nhiều hơn bình thường.
Mẹ cần chuẩn bị chu đáo bữa sáng cho trẻ. Bữa sáng cơ bản gồm một bát thức ăn lỏng như: bún, cháo, phở... hoặc bánh mì, nui, mì, ngũ cốc... Thêm một ly nước trái cây tươi hoặc sữa tươi để tăng thêm năng lượng cho bé.
Bữa trưa
Bữa trưa cung cấp dinh dưỡng cho trẻ. Thông thường, những bé đã đi học sẽ dùng bữa trưa cùng các bạn. Bữa ăn này tuân theo chế độ nghiêm ngặt của nhà trường. Nhiều nơi còn gửi thực đơn về nhà để phụ huynh kiểm tra, bổ sung chế độ dinh dưỡng cho trẻ một cách hợp lý. Đối với các trẻ ăn trưa ở nhà, cần tránh thói quen nhâm nhi quà vặt trước bữa chính. Nếu không, bé sẽ ngang bụng và chán ăn.
Bữa trưa là bữa ăn chính trong ngày, cung cấp đến 40% năng lượng khẩu phần. Vì vậy, bé cần tất cả chất dinh dưỡng với tỉ lệ cân đối. Bạn nên chuẩn bị bữa ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm cần thiết. Bé cần tối thiểu 1,5 bát : cơm, mì, nui, bún... cung cấp tinh bột, chất đường... Lượng thức ăn trung bình kèm theo gồm 1 bát rau xanh (nấu canh, xào đều được), 30g thịt, dầu ăn (1 thìa nhỏ) có thể dùng chế biến hoặc trộn vào thức ăn.
Bữa tối
Bữa tối cần cân bằng với lượng thức ăn bữa trưa của trẻ. Để tránh trẻ bị nặng bụng, khó tiêu, ói mửa vào buổi tối, bạn cần cho trẻ ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa nhưng phải bảo đảm đủ chất.
Bữa tối cần lưu ý giảm bớt chất béo, ít thịt và hạn chế đồ chiên xào.
Nên cho trẻ uống 1 ly sữa khoảng 100ml trước khi đi ngủ.
Bữa ăn phụ
Khoảng cách giữa các bữa ăn phụ nên cách nhau khoảng 2 đến 3 giờ, xen kẽ giữa bữa sáng và bữa trưa, giữa bữa trưa và bữa tối của trẻ. Thức ăn cho bữa phụ : Trái cây tươi, sữa chua giúp hỗ trợ tiêu hóa; kem, bánh qui, phô mai, đậu hũ nước đường... là những món ăn phụ có thể bổ sung cho bữa chính và cung cấp đầy đủ hơn chất dinh dưỡng cho trẻ...