Có thể ăn trái cây vào các bữa ăn nhẹ, vào buổi sáng hay buổi chiều khi trẻ đói, không nhất thiết là phải vào cuối bữa ăn. Những buổi đi chơi, hoạt động thể chất là cơ hội tốt để trẻ "học" ăn trái cây.
1. Để trẻ thích ăn trái cây
Có thể ăn trái cây vào các bữa ăn nhẹ, vào buổi sáng hay buổi chiều khi trẻ đói, không nhất thiết là phải vào cuối bữa ăn. Những buổi đi chơi, hoạt động thể chất là cơ hội tốt để trẻ "học" ăn trái cây.
Trẻ thường rất ghét vỏ của các loại trái cây. Vì thế, táo hay lê được gọt vỏ và cắt thành những miếng nhỏ, bày trên một chiếc đĩa bắt mắt sẽ hấp dẫn trẻ.
2. Làm thế nào để trẻ thích rau?
Để trẻ thích ăn những loại rau sống hợp vệ sinh, không gì tốt hơn là cắt rau thành những đoạn nhỏ, hướng dẫn trẻ ăn kèm với nước chấm, nước xốt...
Bạn có thể "bỏ qua" thói xấu khi trẻ lỡ dùng tay nhón miếng cà rốt, súp lơ, dưa chuột, cà chua. Đó là cách tốt nhất để kích thích xúc giác của trẻ, giúp trẻ làm quen và chấp nhận các loại thức ăn.
Đặc biệt, hãy tận dụng vẻ đẹp của những chiếc đĩa (có họa tiết, hình dạng độc đáo) kết hợp với màu sắc của các loại rau.
Đừng ngại cho chúng tham gia vào các khâu chuẩn bị (nhặt rau, rửa rau...) vì không trẻ nào lại từ chối món ăn do chính tay mình "làm".
3. Tránh thừa cân cho trẻ
Không tạo thói quen ăn vặt, thay vào đó, nên cấu trúc bốn bữa ăn/ngày thật hợp lý. Tránh cho trẻ vừa ăn vừa đùa nghịch hay xem tivi. Hãy dạy trẻ nhai thức ăn thật kỹ, không nuốt chửng, vì sẽ có hại cho dạ dày.
4. Tránh các dị ứng thực phẩm cho trẻ
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phòng ngừa dị ứng một cách hiệu quả, nhưng có một điều chắc chắn là, sữa mẹ và chế độ dinh dưỡng đa dạng sau sáu tháng đầu có tác dụng bảo vệ trẻ.
5. Bữa điểm tâm
Nên thức dậy sớm (trước khoảng 30 phút) để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Bữa điểm tâm có tác dụng điều hòa việc hấp thụ các thức ăn của các bữa ăn tiếp theo.
Nếu trẻ không cảm thấy đói lúc thức dậy, hãy cho trẻ dùng một ly nước ép trái cây nhỏ để kích thích cảm giác ngon miệng. Trong trường hợp trẻ không thể ăn sáng ngay tại nhà, có thể cho trẻ mang một số đồ ăn sáng như xôi, bánh mì, bánh ngọt, hộp sữa đến lớp.
6. Bữa chiều
Các chuyên gia dinh dưỡng gọi đây là "bữa ăn thứ tư" trong ngày của trẻ. Khoảng thời gian quá dài từ bữa trưa cho đến bữa tối khiến trẻ sẽ cảm thấy đói nên thường ăn quá no vào bữa cuối cùng trong ngày. Bữa chiều nên cho trẻ ăn nhẹ, có thể là sữa chua hay trái cây...
7. Khi trẻ ăn quá ít
Điều quan trọng là phải theo dõi nhịp độ phát triển của trẻ. Đừng quá lo lắng khi trẻ hôm thì ăn nhấm nháp, hôm thì ăn ngấu nghiến. Vì cơ thể chúng có thể tự cân bằng các chất dinh dưỡng qua nhiều ngày.
Do vậy, tránh ép buộc trẻ và biến các bữa ăn thành những thời điểm căng thẳng hay xung đột, ầm ĩ tiếng quát mắng. Cũng tránh lấy những món ăn vặt mà trẻ yêu thích ra làm quà thưởng.
8. Khi trẻ ăn quá nhiều
Cần giám sát khẩu phần ăn và tránh cho trẻ ăn vặt. Một bữa ăn ngon miệng phải đủ chất, gồm nhiều glucid kết hợp (cơm, bánh mì, bánh xốp, rau khô...), có trái cây và rau thay vì các thức ăn nhiều chất béo, đường.
9. Làm thế nào để trẻ thích ăn thịt?
Nếu trẻ không thích ăn thịt, chúng ta có thể tìm các nguồn protein động vật khác thay thế (trước khi sở thích của chúng thay đổi): cá, trứng, các chế phẩm từ sữa... Hoặc có thể kết hợp các protein thực vật với động vật như phô mai.
10. Bổ sung omega-3 và các vitamin
Các axít béo, chủ yếu là omega-3, rất cần thiết cho sự phát triển của não và hệ thần kinh của trẻ. Ban đầu, chúng được bổ sung nhờ sữa mẹ và sau này là các thực phẩm như các loại cá béo (ăn ít nhất hai lần/tuần), dầu cải...
Một chế độ dinh dưỡng đa dạng và cân bằng phải đảm bảo tránh những thiếu hụt về axít béo, vitamine hay khoáng chất. Vì thế, cần cho trẻ ăn nhiều cam quýt để bổ sung vitamine C.
Không nên lạm dụng các loại thuốc bổ sung vitamine, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ là lời khuyên cần thiết dành cho các bậc cha mẹ.
Theo Alobacsi.vn