Nếu trẻ kén ăn, bạn nên dùng một loại thực phẩm và làm nhiều món, mỗi ngày để trẻ thử một món. Liên tiếp trong một tuần, trẻ sẽ ăn món này.
Trang Parents giới thiệu tới phụ huynh cách luyện cho con thói quen ăn uống lành mạnh.
Giảm áp lực
Việc bắt trẻ ăn rau xanh thường là "cuộc chiến" khó khăn của phụ huynh. Jill Castle, chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa tại New Canaan, Connecticut, Mỹ, giải thích khi bạn loại bỏ những áp lực hoặc hình phạt, thay vào đó treo giải nếu làm việc tích cực, quá trình ăn uống của trẻ sẽ dễ dàng hơn. Nếu bạn yêu cầu ăn mọi thứ trên đĩa, trẻ sẽ không thể khám phá và phát triển khẩu vị của bản thân, gây sợ hãi mọi món ăn và việc ăn uống nói chung.
Thay vào đó, bạn nên để trẻ được quyền từ chối những món cảm thấy sợ. Ngoài bữa ăn, bạn có thể nói về lợi ích của rau, củ, quả và nhiều loại thực phẩm khác. Đa số phụ huynh lo ngại trẻ kén ăn có thể bị các vấn đề sức khỏe, suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhưng lo lắng này có phần thái quá bởi nhiều nghiên cứu cho thấy người kén ăn trung bình không thiếu vi chất, ít bị béo phì hoặc thừa cân.
Tạo những cuộc trò chuyện về thức ăn
Thay vì những cuộc cãi vã to tiếng ngay trên bàn ăn, bạn có thể nói chuyện về thức ăn với trẻ trong lúc cắm trại, dã ngoại hoặc thông qua những câu chuyện trước khi đi ngủ. Castle cho rằng việc bồi dưỡng trực giác, hiểu biết cho trẻ em cần làm từ sớm.
Chẳng hạn, trẻ sơ sinh hoặc vài tháng tuổi sẽ khóc lúc đói. Nếu được bú mẹ, chúng sẽ nín và dừng lại khi no. Tương tự, với việc uống sữa ngoài, trẻ chỉ có nhu cầu uống khi thấy đói. Tại sao bạn lại ép trẻ uống hết bình này đến bình khác ngay cả khi chúng muốn ngừng? Với những trẻ lười ăn, việc động viên, đặt mục tiêu là cần thiết, nhưng không có nghĩa là nhồi nhét và bắt ăn quá nhiều. Nếu việc này lặp lại trong thời gian dài, trẻ sẽ không biết cách lắng nghe cơ thể, tiếp tục ăn khi đã no, dẫn đến mắc các bệnh về tiêu hóa và béo phì trong tương lai.
Castle gợi ý bạn nên giúp trẻ nhận biết đói và no bằng cách đặt tên cho từng cảm giác và tăng cường đối thoại. "Những cuộc trò chuyện về cảm giác sau khi ăn, thực phẩm vừa ăn là gì giúp trẻ theo kịp các tín hiệu của cơ thể", bà nói.
Ảnh: Shutterstock
Cung cấp thực đơn đa dạng
Để giúp trẻ khám phá sở thích và tránh việc chán ăn, bạn cần đổi món và ưu tiên cách bày trí. Castle nhấn mạnh trẻ em rất giỏi trong việc tự ăn khi thực phẩm được thiết kế đẹp mắt, hấp dẫn. Việc này còn giúp trẻ được cung cấp nhiều loại dinh dưỡng, phát triển cân đối.
Tiếp xúc liên tiếp là yếu tố quan trọng để trẻ quan tâm hơn tới đồ ăn. Chẳng hạn, nếu muốn trẻ ăn bông cải, bạn nên dùng bông cải để chế biến thành nhiều món, mỗi ngày dùng một món. Theo nhiều nghiên cứu, khi tiếp xúc khoảng 7 lần liên tiếp, con người sẽ có xu hướng ăn thử món đó.
Đưa trẻ vào bếp
Đến độ tuổi đi học, nhiều trẻ muốn nấu ăn, làm bánh vì sự tò mò về đồ ăn ngày càng lớn. Bạn nên để trẻ tham gia vào một công đoạn của quá trình nấu ăn, ngay cả việc đơn giản nhất là nhặt rau, đập trứng... Đôi khi việc này sẽ giúp trẻ bớt ghê sợ các món mà trẻ cho rằng không ngon hoặc trông kỳ lạ.
Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ đi siêu thị, chợ để dạy về các loại thực phẩm, món nào tốt và cần thiết cho cơ thể. Việc tiếp thu kiến thức trong không khí vui vẻ sẽ dễ với trẻ hơn lúc bạn cáu gắt và quát mắng trên bàn ăn.
Nguồn https://vnexpress.net |