Trẻ 4 tuổi luôn tận dụng tối đa mọi cơ hội để vui chơi, học tập và phát triển. Là cha mẹ bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để trẻ được học các kỹ năng, kiến thức tốt nhất nhằm tạo đà cho con phát triển trong tương lai.
Việc hiểu được các mốc phát triển quan trọng của trẻ giúp đảm bảo con bạn phát triển đúng chuẩn. Điều này cũng có thể giúp bạn xác định được con cần học những kỹ năng nào và nhận diện được các dấu hiệu cảnh báo cần quan tâm.
Các mốc phát triển quan trọng của trẻ 4 tuổi
1. Sự phát triển về thể chất: Cân nặng chiều cao trẻ 4 tuổi
Chiều cao cân nặng của trẻ là một trong những chỉ số để đánh giá xem trẻ phát triển có đúng chuẩn hay không. Do đó, rất nhiều cha mẹ quan tâm đến chỉ số này. Với trẻ 4 tuổi, chiều cao cân nặng của các bé cần nằm trong ngưỡng tiêu chuẩn như sau:
2. Sự phát triển về nhận thức
Hầu hết các bé 4 tuổi đều bắt đầu nắm bắt được các khái niệm trừu tượng thông qua việc trẻ hiểu được thời gian (ngày và đêm), nhận diện hình dạng, màu sắc, tín hiệu (đèn giao thông), một số chữ cái và con số… Các bé trong độ tuổi này rất ham học hỏi thể hiện qua việc rất chăm chú lắng nghe mọi người trò chuyện, quan sát sự vật xung quanh, biết rõ được công dụng của một số thiết bị trong gia đình…
Do đó, cách dạy trẻ 4 tuổi hiệu quả nhất là để trẻ vừa học vừa chơi, chơi đố vui nhận diện mặt chữ cái/con số, hình dạng… hay đặt ra cho trẻ những câu đố đơn giản. Ngoài ra, bạn hãy trò chuyện với bé, trả lời bất kỳ câu hỏi nào của trẻ, đọc sách cho trẻ nghe và đặt ra những câu hỏi đơn giản nhằm kích thích bé suy nghĩ. Bằng những cách này bạn đã dạy trẻ học hiệu quả.
Các mốc phát triển nhận thức quan trọng của trẻ lên 4:
- Trẻ nói chuyện rõ ràng, mạch lạc hơn
- Bắt đầu hỏi nhiều câu hỏi dạng như: “Khi nào?”, “Bao nhiêu?”, “Tại sao?” và rất tò mò về công dụng các đồ vật
- Hiểu các khái niệm khó như chất lượng (tốt/xấu), số lượng (nhiều/ít), chất liệu (nhựa/thủy tinh/sắt…)
- Gọi đúng tên các màu sắc quen thuộc, các con vật quen thuộc…
- Biết đếm và nhận diện được mặt số (từ 1 – 10)
- Biết sắp xếp các đối tượng theo hình dáng và màu sắc
- Có thể ghi nhớ tình tiết của các câu chuyện xảy ra trong ngày hay trong thời gian ngắn
- Hiểu khái niệm ngày, đêm, phân biệt các hoạt động khác nhau diễn ra ở ngày và đêm
- Hiểu khái niệm đối lập như đầy/vơi, giống/khác, hơn/kém, cao hơn/thấp hơn…
3. Sự phát triển kỹ năng vận động của trẻ 4 tuổi
Trẻ 4 tuổi có sự tiến bộ rõ rệt ở khả năng kiểm soát và phối hợp đôi tay, giữ thăng bằng cơ thể. Ở giai đoạn này, trẻ sẽ đạt được các mốc như:
- Kỹ năng vận động tổng hợp: Ở độ tuổi này, khả năng vận động của bé đã dần hoàn thiện, con ít có nguy cơ va vào người khác hay đồ vật khi chạy nhảy chơi đùa. Ngoài ra, bé cũng đã có thể lên xuống cầu thang 1 cách thuần thục, đá bóng, đạp xe, đứng thăng bằng 1 chân hay nhào lộn…
- Kỹ năng vận động tinh: Khả năng phối hợp tay và mắt, khả năng xâu chuỗi hạt khá tốt, biết sử dụng muỗng, đũa, tự mặc quần áo, xỏ giày dép và tô màu bên trong các đường nét của trẻ đã được cải thiện.
- Điểm nổi bật chính: Ở độ tuổi này, hầu hết trẻ em có thể tự thay quần áo, đánh răng đi vệ sinh dưới sự giám sát của người lớn.
4. Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ
Vốn từ vựng của trẻ 4 tuổi có thể có đến khoảng 500 – 1.000 từ, tuy nhiên số lượng từ mà trẻ dùng thường ít hơn con số này. Các bé đã có thể nói trôi chảy những câu nói dài (nhiều hơn 5 từ), có thể kể được vắn tắt những chuyện diễn ra trong ngày hay do bé tưởng tượng ra và hát được các bài hát ngắn. Đôi khi, trong lúc hát, các bé có thể tự bịa lời nếu quên.
Sự phát triển cảm xúc của trẻ 4 tuổi: Trẻ trải qua nhiều dạng cảm xúc khác nhau
Trẻ 4 tuổi đã kiểm soát được cảm xúc của bản thân khá tốt, thường thể hiện sự mong muốn độc lập rất rõ và muốn tự mình làm được càng nhiều việc càng tốt. Do đó, đôi khi bạn sẽ thấy trẻ đề nghị: Để con làm cho/Con làm được mà!
Những mốc phát triển cảm xúc quan trọng của trẻ:
- Ở độ tuổi lên 4, trẻ nhận thức rõ hơn về cảm xúc của người khác
- Trải qua nhiều dạng cảm xúc: ghen tỵ, phấn khích, tức giận và sợ hãi
- Có thể trở nên tập trung hơn khi chơi các trò chơi mang tính hơn thua để có thể giành chiến thắng.
Trẻ 4 tuổi và các mốc phát triển các kỹ năng xã hội
Việc trẻ nổi cơn giận dữ bất thường thưa dần vì con đã bước qua gian đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, đã học được cách kiểm soát tâm trạng và hành vi tốt hơn. Ở độ tuổi này, ngoài việc chơi đùa với cha mẹ, ông bà, trẻ có xu hướng tìm kiếm bạn bè đồng trang lứa để có thể chơi nhiều hơn trước.
Những mốc phát triển kỹ năng xã hội quan trọng của trẻ:
- Dễ dàng chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với bạn bè
- Biết tìm đến người lớn đáng tin cậy để được giúp đỡ khi cần
- Trẻ thiết lập được mối quan hệ bạn bè thật sự, có thể có bạn thân.
Các cột mốc quan trọng khác
Hầu hết trẻ 4 tuổi đều bắt đầu nhận ra giới tính của bản thân. Bé có thể thắc mắc tại sao bạn Mi không có “chim”, khi đi tè thì ngồi hoặc ngược lại. Điều quan trọng là bạn cần giải thích cho trẻ hiểu sự khác biệt này, sử dụng thuật ngữ chính xác về các bộ phận của cơ thể.
Tránh la mắng hoặc trừng phạt con nếu bé chạm vào bộ phận sinh dục của mình. Hãy nói cho trẻ nghe về “vùng đồ bơi” và giải thích cặn kẽ về việc: không ai khác ngoài cha mẹ (khi vệ sinh cho trẻ), bác sĩ (khi khám bệnh cho trẻ) được chạm vào vùng kín của trẻ và bé cũng không được chạm vào vùng kín của các bạn. Điều này giúp trẻ biết cách bảo vệ cơ thể, tránh được nạn ấu dâm và nguy cơ xâm hại.
Các dấu hiệu bất thường của trẻ 4 tuổi mà cha mẹ cần quan tâm
Thực tế là mỗi đứa trẻ phát triển theo một kênh riêng. Thế nhưng, không vì thế mà bạn bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo con bạn không đạt được các mốc phát triển nhất định. Hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa nếu:
- Bé không thể nhảy giậm chân tại chỗ
- Khó có thể vẽ/viết dù là nghệch ngoạc
- Không sử dụng từ “con/mình” và bố mẹ/ông bà/bạn” một cách chính xác
- Không quan tâm đến các trò chơi có tính tương tác hoặc tin tưởng
- Không quan tâm đến những đữa trẻ khác hoặc những người không thuộc gia đình
- Phản đối khi mặc quần áo, đi ngủ, đi vệ sinh
- Không thể kể lại câu chuyện yêu thích
- Không hiểu khái niệm giống nhau và khác nhau
- Nói không rõ ràng
- Mất các kỹ năng mà trẻ từng đạt được…