Chất béo từ cá có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển thể chất, trí tuệ ở trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ chuyên khoa I, Nguyễn Thị Ngọc Hương, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Trung Tâm Dinh Dưỡng TP HCM, trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi cần nhiều chất béo trong khẩu phần ăn hơn người lớn. Bởi trong 3 năm đầu đời, trẻ tăng trưởng nhanh về thể chất lẫn trí tuệ, trọng lượng cơ thể trẻ tăng gấp đôi sau 6 tháng, tăng gấp 4 lúc 2 tuổi.
Trọng lượng não cũng tăng nhanh sau khi trẻ ra đời, lúc mới sinh nặng khoảng 350g, lúc một tuổi nặng gấp 3 lần (khoảng 1.100g), 6 tuổi não hoàn thiện gần giống như não người trưởng thành. Trong giai đoạn này, việc cung cấp đủ lượng chất béo trong khẩu phần ăn của trẻ rất quan trọng, bởi cấu trúc nền của não bộ, tế bào thần kinh phần lớn được cấu tạo từ chất béo.
Ngoài ra, chất béo chính là nguồn cung cấp năng lượng, tăng khả năng miễn dịch, là dung môi hòa tan giúp các vitamin A, D, E, K được hấp thu tốt vào cơ thể thúc đẩy tăng trưởng chiều cao, hoàn thiện cấu trúc răng, da, niêm mạc..., các axit béo không no như axit linoleic, axit arachidonic, DHA... là thành phần của nhiều hoạt chất sinh học trong cơ thể.
Dầu ăn tinh luyện từ cá – nguồn cung cấp chất béo động vật.
Nếu ở người trưởng thành, trẻ trên 36 tháng tuổi mức năng lượng cung cấp từ chất béo chiếm 20 đến 25% tổng năng lượng khẩu phần thì ở trẻ dưới 36 tháng tuổi tỷ lệ này là từ 35 đến 40%. Trong đó, tỷ lệ giữa chất béo động vật, chất béo thực vật trong khẩu phần của trẻ lần lượt là 70% và 30% (theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia).
"Tuy thịt, trứng, sữa... đã cung cấp một lượng chất béo động vật nhất định nhưng để đạt tỷ lệ khuyến nghị về chất béo trong khẩu phần hàng ngày trẻ cần bổ sung thêm dầu thực vật, dầu tinh luyện từ cá. Trong mỡ cá, các axit béo không no thiết yếu chiếm tỷ lệ cao, chứa các dưỡng chất liên quan đến quá trình phát triển của não bộ như Omega-3, DHA/EPA, các vitamin A, E", bác sĩ Hương cho biết.
Omega-3 là chất béo tốt, trong số các acid béo thuộc nhóm Omega-3, có DHA (docosahexanoic acid) và EPA (eicosapentaenoic acid) giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ, chúng tham gia vào cấu tạo của màng tế bào, não bộ, tế bào thần kinh, giúp tăng cường hoạt động hệ miễn dịch. DHA/EPA có nhiều trong sữa mẹ, trong dầu ăn từ cá... ALA (alphalinoleic acid) cũng là acid béo thuộc nhóm omega-3 có nhiều trong dầu thực vật, vào cơ thể chúng cần được chuyển hóa thành dạng DHA/EPA (với tỷ lệ thấp) để hấp thu, sử dụng hiệu quả.
Theo bác sĩ, với việc tăng trưởng nhanh về thể chất lẫn trí tuệ, cùng với sự chuyển tiếp chế độ ăn liên tục của trẻ dưới 36 tháng tuổi thì việc sử dụng các nguồn thực phẩm có nhiều DHA/EPA giúp trẻ nhận đủ lượng, sử dụng trực tiếp để phát triển thuận lợi hơn so với sử dụng omega-3 dạng ALA.