“Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”. Các nghên cứu đã cho thấy, giai đoạn phát triển vàng 2 năm đầu đời và cả giai đoạn từ 7 đến 12 tuổi, nếu cho trẻ ăn uống quá kiêng khem để giảm cân sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển chiều cao, sau đó thường bị thấp còi. Bởi vậy trong điều trị béo phì ở trẻ em, cần có chế độ ăn kiêng thích hợp, đặc biệt về chất béo – một chất quan trọng trong quá trình hoàn thiện các chức năng hệ thần kinh, tim mạch nhưng lại thường bị “cấm triệt để” trong khẩu phần của trẻ béo phì.
Vì sao chất béo (lipid) lại quan trọng đến vậy? Hãy cùng tìm hiểu nhanh về vai trò dinh dưỡng của chất béo: ngoài chức năng cung cấp và dự trữ năng lượng, chất béo có chức năng quan trọng trong tạo hình vì là cấu trúc quan trọng của tế bào và của các mô cơ thể. Đặc biệt ở trẻ chất béo trong thức ăn cần thiết cho sự tiêu hoá và hấp thu của những vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Cholesterol là thành phần của acid mật và muối mật, rất cần cho quá trình tiêu hoá và hấp thu các chất dinh dưỡng ở ruột. Ngoài ra chất béo còn tham gia vào thành phần của một số loại hormon, cần cho hoạt động bình thường của hệ nội tiết và sinh dục.
Ảnh minh họa
Do vậy, ở bất kỳ đối tượng nào kể cả trẻ thừa cân béo phì, để không ảnh hưởng đến những chức năng quan trọng trên, chúng ta không được cắt bỏ hoàn toàn chất béo trong bữa ăn, mà cần đảm bảo đủ nhu cầu chất béo cho trẻ:
Theo nhu cầu khuyến nghị của người Việt Nam, năng lượng do chất béo cung cấp hàng ngày cho trẻ nhỏ cần chiếm từ 30-40% tổng số năng lượng, đối với trẻ béo phì có thể giảm xuống 20%, trong đó, chất béo có nguồn gốc động vật nên chiếm khoảng 50-60%. Như vậy, với khẩu phần ăn hàng ngày trung bình từ 1200-1500kcal cho trẻ tuổi mẫu giáo, học đường thì lượng chất béo tối thiểu vẫn cần 20-30gr để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của trẻ như đã phân tích ở trên.
Trong trường hợp kiêng khem chất béo quá chặt chẽ làm cho lượng chất béo chỉ chiếm dưới 10% năng lượng khẩu phần, cơ thể có thể mắc một số bệnh lý như giảm mô mỡ dự trữ, giảm cân, bị bệnh chàm da. Thiếu chất béo còn làm cơ thể không hấp thu được các vitamin tan trong dầu có thể gián tiếp gây nên các biểu hiện thiếu các vitamin này (ví dụ còi xương, rối loạn phát triển xương, răng, khô mắt, dễ bị nhiễm khuẩn...). Trẻ em thiếu chất béo đặc biệt là các acid béo chưa no cần thiết có thể còn bị chậm tăng trưởng chiều cao và cân nặng. Một acid béo đặc biệt là omega - 3 có nhiều trong mỡ cá, tiền chất của DHA và EPA đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ tim mạch, tác dụng lên não bộ và hệ thần kinh trung ương (là thành phần chính của não). Bởi vậy, với mọi đối tượng kể cả trẻ béo phì vẫn cần ăn mỗi tuần tối thiểu 2 bữa cá, trong đó ít nhất là 1 bữa cá béo (cá có mỡ cá ví dụ cá basa, cá chép béo, cá bông lau…).
Trong số các nguồn chất béo trong thực phẩm, trẻ em thừa cân béo phì vẫn nên ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật có hàm lượng lipid cao và vẫn tốt cho sức khỏe là mỡ cá, sữa không đường, pho mát cứng, lòng đỏ trứng (hạn chế mỗi tuần ăn 2-3 quả trứng), và cân đối sử dụng các thực phẩm nguồn gốc thực vật có hàm lượng béo cao là dầu thực vật, lạc, vừng, đậu tương, hạt diều, hạt dẻ.