Việc trẻ cứ mãi biếng ăn chậm tăng cân khiến bố mẹ không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi đã có “chìa khóa” để giúp bạn giải mã được vấn đề này.
Đối với không ít gia đình nuôi con nhỏ, mỗi bữa ăn dường như là một “trận chiến” đầy vất vả. Người lớn vì sợ trẻ biếng ăn chậm tăng cân mà phải “trổ tài” dụ dỗ, biến tấu đồ ăn thành nhiều món ăn với hình thù thú vị hoặc thậm chí buông lời dọa nạt chỉ để con ăn được thêm một chút. Tuy nhiên, kết quả lại chẳng hề có dấu hiệu khả quan.
Còn với trẻ nhỏ, bé sẽ xem bữa ăn chẳng khác nào “cực hình” khi mọi người cứ vây quanh và bắt ăn mãi. Làm thế nào để có thể giải quyết tình trạng trên? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu giải pháp qua bài viết sau nhé.
Nguyên nhân trẻ biếng ăn, chậm tăng cân
Lý do khiến bé biếng ăn chậm tăng cân khá đa dạng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, chẳng hạn như:
Sự phát triển của con đang “chững” lại
Ở độ tuổi 2 hoặc 3, sự phát triển của bé bắt đầu chậm lại và kéo theo khẩu vị, cảm giác thèm ăn cũng giảm, dẫn tới tình trạng biếng ăn, chậm tăng cân.
Trẻ biếng ăn vì kén ăn
Theo các chuyên gia, trẻ trong độ tuổi từ 2 – 6 thường khá
kén ăn, bé không có hứng thú với nhiều loại món ăn. Điều này là một phần của giai đoạn phát triển mà hầu như bé nào cũng đều sẽ trải qua.
Những trẻ kén ăn thường chẳng hề hứng thú với các loại rau và có thể từ chối nếm thử thức ăn mới. Bên cạnh đó, bé cũng có thể không thích mùi hoặc vị cũng như kết cấu của món ăn mà bạn đã chuẩn bị.
Con cảm thấy áp lực
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, nếu bố mẹ hoặc ông bà cứ liên tục bắt phải thử món này, ăn món kia sẽ tạo ra áp lực cho trẻ nhỏ vào giờ ăn.
Bạn càng ép buộc bằng lời nói hoặc hành động sẽ càng dẫn đến kết quả trẻ biếng ăn chậm tăng cân.
Bé bị dị ứng thức ăn
Có một số loại thực phẩm có thể khiến bé khó chịu sau khi ăn vào là: Sữa, đậu nành, trứng, đậu phộng, các loại hạt. Nếu bé chẳng may dị ứng với nhiều loại thực phẩm thì thực đơn mỗi ngày sẽ bị thu hẹp lại, các món ăn thiếu đi sự phong phú và dẫn đến trẻ biếng ăn chậm tăng cân.
Con không thích cách chế biến của món ăn
Bạn đã bao giờ nghĩ con thích ăn những món giống bố mẹ, chẳng hạn như: Cơm, đồ ăn mặn, canh thay vì cứ phải “làm bạn” với tô cháo mỗi ngày?
Mỗi em bé có một sở thích riêng biệt và không giống nhau. Do đó, bạn hãy cho con cơ hội được khám phá các loại thực phẩm theo nhiều cách chế biến khác nhau để tìm ra xem bé hứng thú với món nào nhất nhé.
Trẻ bị rối loạn ăn uống
Nếu bé lớn hơn 6 tuổi nhưng vẫn thiếu tự giác ăn uống trong bữa cơm, con biếng ăn, chậm tăng cân hoặc chỉ muốn ăn 1 bữa duy nhất suốt cả ngày thì rất có thể con bạn đang gặp phải tình trạng
rối loạn ăn uống.
Bé quá mệt để ăn
Khi con bạn chẳng hề quan tâm đến bữa tối, nguyên nhân có thể đơn giản chỉ là do bé đã kiệt sức sau một ngày dài chơi đùa. Bên cạnh đó, trẻ ở độ tuổi tập đi cũng sẽ dễ dàng trở nên mệt mỏi vào cuối ngày (đặc biệt là nếu bé đang trong thời gian
cai sữa), từ đó góp phần vào nguyên nhân trẻ biếng ăn, chậm tăng cân.
Con bị phân tán sự tập trung
Bạn thường mở tivi, iPad, điện thoại thông minh hoặc dẫn ra ngoài chơi để dụ dỗ bé ăn? Đây là những lỗi trong việc chăm sóc con trẻ cực kỳ phổ biến qua nhiều thế hệ mà ai cũng có thể mắc phải.
Nếu sử dụng các kỹ thuật đánh lạc hướng chỉ nhằm mục đích cho trẻ ăn, bạn sẽ gặp phải tác dụng ngược lại. Điều này sẽ hình thành thói quen ăn uống không lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa của trẻ trong tương lai.
Trẻ nhỏ cần tập trung cho việc ăn uống, dẫu cho đang ngồi với bố mẹ hoặc ăn riêng một mình.
Cách “trị” trẻ biếng ăn, chậm tăng cân
Như đã nói ở trên, bạn không thể ép con ăn bởi sẽ chỉ gây ra tác dụng ngược, khiến trẻ biếng ăn, chậm tăng cân. Thay vào đó, hãy cố gắng rèn bé hướng đến các thói quen ăn uống lành mạnh và tạo tiền đề cho những bữa ăn ngon miệng, chẳng hạn như:
·
Kích thích vị giác: Đây là biện pháp tâm lý nhằm giúp con làm quen với thực phẩm mới. Nếu bé 1 tuổi, mỗi bữa, bạn chỉ nên cho con ăn lượng thực phẩm bằng 1 thìa súp đầy và tăng dần theo độ tuổi. Việc cho bé ăn khẩu phần nhỏ hoặc hợp lý cũng tạo điều kiện để con thể hiện mình có thích món ăn này hay không.
·
Có giờ giấc cụ thể: Thời gian bắt đầu dùng bữa nên giống nhau vào mỗi ngày cũng như chỉ diễn ra ở một vị trí nhất định, chẳng hạn như bàn ăn. Bên cạnh đó, thời gian ăn của bé không kéo dài quá nửa tiếng cho mỗi bữa.
·
Biến tấu thức ăn: Dùng khuôn tạo hình để ép cơm, trái cây thành những hình thù bắt mắt sẽ thu hút sự chú ý để bé hứng thú với món ăn nhiều hơn. Ngoài ra, bạn nên hạn chế thói quen vừa ăn vừa uống nước của trẻ để tránh bé no nhanh.
·
Cho con được chọn: Hãy bày ra trước mặt bé các món khác nhau để con quyết định mình sẽ ăn gì.
·
Nạp thêm chất lỏng: Nếu con không thích ăn thức ăn dạng rắn, bạn hãy cho bé uống thêm sữa, nước ép trái cây tươi để giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn.
·
Bổ sung lợi khuẩn: Lợi khuẩn có tác dụng rất tốt nhằm cải thiện tình trạng trẻ biếng ăn chậm tăng cân, củng cố hệ miễn dịch, kích thích sự thèm ăn. Bạn hãy bổ sung lợi khuẩn cho bé bằng cốm vi sinh để đem đến tác dụng tối ưu.
https://hellobacsi.com