Hiện nay người ta hay nhắc tới vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hoặc các sản phẩm dinh dưỡng như sữa chua, váng sữa, … với tăng trưởng và phát triển. Vậy chúng ta hiểu biết gì về vai trò của chúng và nhu cầu hàng ngày đối với trẻ em?
Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ (tính bằng mg hoặc mcg) nhưng lại có vai trò không thể thiếu trong tăng trưởng, phát triển, duy trì và nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật, đặc biệt là ở trẻ em.
Vitamin A (retinol) là loại tan trong dầu, có tác dụng bảo vệ mắt, chống bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, giúp trẻ tăng trưởng tốt, phát triển răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Thiếu vitamin A gây thoái hoá, sừng hoá các tế bào biểu mô, giảm chức năng bảo vệ cơ thể, gây bệnh khô mắt dẫn đến sẹo giác mạc và mù lòa vĩnh viễn, làm giảm khả năng miễn dịch, tăng tỷ lệ bệnh tật/ tử vong, chậm lớn và có thể ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ. Nhu cầu vitamin A cho trẻ 6 tháng đến 3 tuổi là 400 mcg/ngày, 4-6 tuổi 450 mcg và 7-9 tuổi 500 mcg/ngày. Trẻ gái vị thành niên nhu cầu cao, 600 mcg/ngày.
Ảnh minh họa
Vitamin D có 2 cấu trúc sinh lý chính là D2 (ergocalciferol) và D3 (cholecalciferol), có giá trị sinh lý tương tự nhau. Vitamin D giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và phospho để hình thành và duy trì hệ xương, răng. Thiếu vitamin D ở trẻ nhỏ gây giảm quá trình khoáng hóa can xi từ xương, dẫn tới còi xương, ở người lớn gây loãng xương, cường năng tuyến cận giáp và tăng huy động canxi từ xương. Nhu cầu vitamin D cho trẻ từ sau sinh đến vị thành niên là 5 mcg/ngày.
Vitamin E là tập hợp 8 thành phần trong tự nhiên có hoạt tính sinh học của µ-tocopherol, chức năng chính là chống oxy hoá, bảo vệ chất béo, nhất là các acid béo chưa no nhiều nhánh (PUFAs), bảo vệ màng tế bào và các lipoprotein đậm độ thấp chống các gốc tự do. Vitamin E là một trong những chất chống oxy hóa chủ yếu và ngày càng được biết đến với những chức năng phát triển và sinh sản, phòng chống ung thư và đục thủy tinh thể. Nhu cầu vitamin E với trẻ 6-11 tháng là 4 mg/ngày, 1-9 tuổi 5-6 mg/ngày và vị thành niên 12 mg/ngày.
Kẽm là một vi khoáng có nhiều chức năng sinh học như miễn dịch, chữa lành vết thương, tiêu hóa, sinh sản, phát triển thể lực, sinh sản, giúp trẻ ăn ngon miệng, kiểm soát bệnh tiểu đường. Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, giảm sức đề kháng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Bổ sung kẽm làm tăng tốc độ phát triển chiều cao ở trẻ thấp còi, giảm số lần và số ngày tiêu chảy ở trẻ. Trẻ dưới 6 tháng bú sữa mẹ hoàn toàn là đủ nhu cầu kẽm. Trẻ 7-11 tháng cần 0,8-2,5 mg/ngày nếu kẽm hấp thu tốt, 2,8 mg/ngày nếu kẽm hấp thu vừa, và 6,6 mg nếu kẽm hấp thu kém. Nhu cầu kẽm với trẻ 1-3 tuổi tuần tự là 2,4 mg, 4.1 mg và 8,3 mg/ngày; 4-6 tuổi 3,1 mg, 5,1 mg và 10,3 mg; 7-9 tuổi 3,3 mg, 5,5 mg và 11,3 mg/ngày. Trẻ gái vị thành niên phát triển nhanh nhu cầu kẽm rất cao, 4,6 mg, 7,8 mg và 15,5 mg/ngày, theo thứ tự.
Iod giúp tuyến giáp trạng hoạt động bình thường, phòng bệnh bướu cổ và thiểu năng trí tuệ. Thiếu iod ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là não bộ. Hậu quả rất nặng nề của thiếu iod bào thai là tăng tỷ lệ tử vong trước/ sau sinh và chứng đần độn (cretinism). Sử dụng muối ăn tăng cường iod hàng ngày là biện pháp chính để phòng chống thiếu iod. Thừa iod gây thiểu năng tuyến giáp. Nhu cầu iod với trẻ 0-9 tuổi là 90 mcg/ngày, 10-15 tuổi 120-150 mcg/ngày và trẻ 16-18 tuổi 150 mcg/ngày.
Bên cạnh các vi chất với chức năng phát triển trên, một loạt vi chất khác tuy không trực tiếp nhưng góp phần thúc đẩy phát triển.
Có thể kể ra đầu tiên là Sắt. Với vai trò rất quan trọng, sắt cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) - yếu tố vận chuyển O2 và CO2, phòng bệnh thiếu máu và là thành phần các men oxy hóa khử. Thiếu sắt thường do ăn uống thiếu, một số tình trạng sinh lý (đang lớn, phụ nữ hành kinh, mang thai, sau sinh …) và bệnh lý (ký sinh trùng, đặc biệt giun móc và sốt rét) gây thiếu máu và suy dinh dưỡng.
Selen là thành phần của enzyme glutathione peroxidase, có chức năng khôi phục hoạt tính của các chất chống các gốc oxy tự do, làm giảm quá trình lão hoá, phòng các bệnh mạn tính không lây và ung thư.
Vitamin K gồm phylloquinone (K1) nguồn thực vật, menaquinone (K2) từ thực phẩm nguồn động vật và chất tổng hợp menadione (K3), có chức năng chính như một coenzyme trong tổng hợp nhiều thể hoạt động sinh học của protein, tham gia quá trình đông máu và làm tăng tiềm năng gắn calci vào xương.
Vitamin C có chức năng chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể, tham gia vào quá trình tạo keo (hình thành collagen), tổng hợp carnitin, chất dẫn truyền thần kinh, hoạt hóa các hormon, khử độc thuốc, giúp hấp thu và sử dụng sắt, calci và acid folic. Ngoài ra, vitamin C còn có chức năng chống dị ứng, tăng miễn dịch, kích thích tạo dịch mật, giải phóng các hormon steroid và chuyển cholesterol thành acid mật.
Vitamin B1 hoạt động như một coenzym trong 2 loại phản ứng oxy hóa khử carboxyl và transketol hóa. Thiếu B1 sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hoá glucid và acid amin, gây giảm acetylcholine ảnh hưởng tới chức năng hoạt động hệ thần kinh. Bệnh thiếu B1 (beriberi) thường gặp ở trẻ bú chai trẻ - 5 tháng tuổi, bệnh phát triển rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời trong vòng vài giờ có thể tử vong.
Vitamin B2 tham gia cấu trúc của 2 coenzym: flavin mononucleotid (FMN) và flavin adenin dinucleotid (FAD), hoạt động trong phản ứng oxy hóa khử. Vitamin B2 rất cần cho sự phát triển và sinh sản, là một phần trong nhóm enzym phân giải và sử dụng đạm, đường, béo. B2 cũng rất cần cho hô hấp tế bào, cho mắt, da, móng tay và tóc.
Vitamin PP (Niacin) hay vitamin B3 cần thiết cho qúa trình tổng hợp đạm, béo và đường 5 carbon, tạo ADN và ARN, là những coenzym cho chuyển hoá năng lượng và tổng hợp các hormone sinh dục. Niacin nâng cao hiệu quả lưu thông và giảm cholesterol máu, là chất quan trọng sống còn cho hoạt động của hệ thần kinh, hình thành và duy trì làn da, lưỡi, hệ thống tiêu hóa.
Vitamin B6 là coenzym của trên 60 phản ứng sinh hoá chuyển nhóm amin, khử amin và khử carboxyl, liên quan đến hình thành các chất trung gian thần kinh và điều hoà hoà hoạt động các hormon oestrogen, androgen và progesteron. Thiếu B6 gây rối loạn chuyển hóa đạm (chậm phát triển, thiếu máu, …), gây tổn thương da và thần kinh.
Folat hay vitamin B9, hoạt động như một co-enzyme trong phản ứng di chuyển một gốc carbon trong chuyển hóa acid nucleic và các amino acid. Thiếu folat ở phụ nữ mang thai gây khuyết tật ống thần kinh. B12 giúp tạo hồng cầu, giữ cho các tổ chức của hệ tiêu hóa và thần kinh được tốt. Thiếu B12 cùng với rối loạn chuyển hoá folat gây thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ hoặc rối loạn dẫn truyền thần kinh.
Kết quả khảo sát nhanh của Viện Nghiên cứu Y Xã hội học cho thấy, trừ sữa chua Hoa Kỳ và số sữa chua, váng sữa nhập ngoại, hầu hết các sản phẩm cả nhập ngoại và sản xuất tại Việt Nam đều không ghi rõ thành phần vi chất dinh dưỡng trên bao bì. Mong muốn của chúng ta là được sử dụng những sản phẩm bổ sung tối đa các vi chất cần cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.