Rau và các loại quả là thực phẩm bổ sung nhiều dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng có thể tự ăn rau và thích ăn loại thực phẩm này. Bài viết sẽ giúp ba mẹ có thêm được những phương pháp hữu ích giúp cho trẻ thích ăn rau quả một cách tự nhiên.
Vì sao bé cần phải ăn rau, quả từ nhỏ?
Dù là trẻ em hay người lớn thì trong khẩu phần ăn mỗi ngày phải đảm bảo đủ 4 chất: Đạm – Đường – Béo – Vitamin và khoáng chất. Trong số đó, rau và trái cây là nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng nhất chất đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của cơ thể. Chính vì vậy, các bé là nhóm đối tượng cần bổ sung nhiều loại thực phẩm này để phát triển toàn diện.
Bé cần ăn rau củ quả đầy đủ
Trong rau có chứa các loại vitamin như A, C, D, E,…. Và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt là các loại khoáng chất cần cho bé như: iot, magiê, natri, canxi,… Bên cạnh đó, rau vốn là thực phẩm chứa nhiều chất xơ nhất – một liều thuốc quý tự nhiên cho cơ thể để loại bỏ các chất dư thừa, bả thức ăn ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, rất nhiều bé thường không thích hoặc không chịu ăn rau quả. Thậm chí quấy khóc, bỏ ăn mỗi khi ba mẹ cho ăn rau quả trong bữa ăn. Đây là vấn đề khiến nhiều ba mẹ phải đau đầu tìm cách để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong bữa ăn cho bé.
Tác hại khi bé không ăn rau, quả:
Nếu như vấn đề trẻ biếng ăn và không chịu ăn rau ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí bỏ hẳn rau khỏi khẩu phần ăn của mình và ba mẹ cũng “chiều” ý bé. Sẽ dẫn đến nhiều tác hại cho sức khỏe của bé yêu:
– Thiếu vitamin: Khi không bổ sung đủ vitamin có trong rau quả trong thời gian dài. Cơ thể bé sẽ thiếu nhiều loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Gây nên các loại bệnh về răng, mắt như: chảy máu chân răng, khô mắt, mờ mắt,… nguy cơ cận thị cũng cao hơn khi trẻ bước vào giai đoạn đi học.
– Táo bón: Chất xơ trong rau sẽ giúp hệ tiêu hoá của bé hoạt động hiệu quả hơn. Nếu không bổ sung đầy đủ chất xơ trong mỗi bữa ăn hàng ngày, sẽ làm giảm kích thích nhu động ruột, các vi khuẩn có hại cũng phát triển nhiều hơn. Phá huỷ môi trường sống của lợi khuẩn,… gây nên các bệnh về tiêu hoá như táo bón, đi tiêu khó, gây đau rát hậu môn mỗi khi trẻ đi vệ sinh.
– Nguy cơ ung thư, tim mạch: Các loại rau củ giàu vitamin C và E sẽ giúp ngăn ngừa và loại bỏ các gốc tự do hình thành làm phá hoại cấu trúc tế bào trong cơ thể. Do đó, những trẻ ăn ít rau sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh cao hơn những trẻ khác khi trưởng thành.
Phương pháp giúp bé thích ăn rau, quả
Giai đoạn ăn dặm khá quan trọng để ba mẹ tập cho bé ăn rau, quả. Bằng cách bổ sung rau quả trong khẩu phần ăn dặm mỗi ngày của bé. Mẹ hãy cố gắng xay nhuyễn hoặc băm nhỏ các loại rau củ và nấu chung với bột/cháo cho bé. Với phương pháp này vừa có thể bổ sung đủ vitamin, chất xơ trong thức ăn, vừa giúp bé quen dần với mùi vị và màu sắc của các loại rau, củ.
Mẹ nên lựa chọn đa dạng các loại rau củ thay phiên nhau để bé có thể tiếp xúc được nhiều loại mùi vị và cung cấp nhiều loại vitamin. Đặc biệt là các loại rau có màu đậm như: bông cải xanh, rau bó xôi, cần tây… và các loại trái cây có màu đỏ như cà rốt, dưa hấu, bí đỏ,… có thể xay làm nước sinh tố để bé bổ sung thêm trong bữa ăn dặm trong ngày.
- Đối với bé ở độ tuổi mẫu giáo
Bé trong độ tuổi này cũng đã ý thức và có thể dần tự lập trong việc ăn uống của mình. Và đặc biệt cũng tò mò khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn. Vào mỗi bữa ăn, ngoài cơm và thức ăn chính, ba mẹ nên làm một dĩa “rau trộn” kết hợp nhiều loại rau củ, quả và được trang trí bắt mắt, nhiều màu sắc. Có thể tỉa rau củ thành nhiều hình thù đáng yêu, ngộ nghĩnh để thu hút sự chú ý của bé.
Trang trí rau củ thành hình dễ thương trong khẩu phần ăn của bé
Giai đoạn này bé cũng dần hình thành thói quen “bắt chước” những hành động của người lớn. Chính vì thế, ba mẹ và các thành viên khác trong gia đình cũng nên tích cực ăn rau, củ quả nhiều trong mỗi bữa ăn để “làm mẫu” cho bé. Tuy nhiên, không nên ép buộc bé phải ăn rau, điều này sẽ khiến bé có tâm lý sợ các loại rau củ và càng ép bé sẽ càng kháng cự lại. Hãy để bé quan sát một cách tự nhiên, khi thấy người lớn ăn một cách ngon lành như các loại thức ăn khác. Tự nhiên bé sẽ hình thành thói quen và ăn rau như mọi người.
Đừng quên khen ngợi và tán dương bé mỗi khi bé ăn rau củ. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy hạnh phúc và phấn khởi hơn để tiếp tục duy trì thói quen tốt này. Khi ăn cùng bé có thể giải thích cho bé ăn rau sẽ giúp mau lớn và học giỏi hơn. Hoặc khuyến khích bé bằng một phần quà bé yêu thích nếu ăn rau, củ thường xuyên.
- Đối với các bé lớn sắp vào tiểu học
Các bé lớn thường sẽ hiếu động, và bắt đầu có thể làm được nhiều việc hơn để thực hành và tập tành học hỏi nhiều thứ. Vì vậy, trong giai đoạn này ba mẹ có thể khuyến khích nhờ bé phụ chế biến rau củ để chuẩn bị cho bữa ăn. Bé có thể làm các việc đơn giản như: nhặt rau, rửa rau, trang trí rau củ vào dĩa.
Bé phụ mẹ trang trí rau vào dĩa thức ăn
Ba mẹ nên trò chuyện cùng bé trong lúc bé làm. Giải thích và giới thiệu tên, cũng như kể cho bé nghe những câu chuyện về loại rau củ này. Bé sẽ càng thích thú và lần sau cũng muốn phụ ba mẹ làm việc tiếp.
Nếu nhà có sân vườn hoặc khu vực trồng cây. Ba mẹ có thể dạy bé cách trồng và chăm sóc các loại rau cơ bản, dễ trồng, chăm sóc và tốt cho sức khỏe. Khi được chính tay mình trồng và chăm bón, bé sẽ càng háo hức mong chờ được ăn rau củ của mình làm ra. Qua đó giúp bé gắn bó nhiều hơn với rau củ quả.
Trên đây là một số phương pháp để ba mẹ có thể giúp bé thích và tự ăn rau quả một cách tự nhiên nhất. Tuỳ thuộc vào từng độ tuổi và tính cách của bé để chọn lọc ra phương pháp phù hợp. Nhưng tốt nhất là nếu có điều kiện, hãy tập cho bé từ độ tuổi nhỏ nhất và duy trì phương pháp khi bé lớn dần. Để bé có thể hình thành hoàn thiện thói quen ăn rau củ tốt cho sức khoẻ các bạn nhé!