Chúng ta đều đã biết, sữa chua là một sản phẩm của sữa được sản xuất bởi vi khuẩn lên men. Quá trình lên men hoàn toàn tự nhiên của sữa tươi đã tạo nên một sản phẩm thơm ngon, giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng. Giá trị dinh dưỡng trung bình trong 100g sữa chua (TB±SD) có thể được tóm tắt như ở bảng bên (bảng 1):
Quan sát trên 30 loại sữa chua cả nhập ngoại lẫn sản xuất trong nước đều cho thấy sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao: trong 100g sữa chua chứa khoảng 100Kcal, chất đạm trung bình từ 3,1 - 5,3g, chất béo khoảng 2,3 - 2,6g, chất bột khoảng 15g. Như vậy, về năng lượng, một hộp sữa chua (thường từ 70-80g) có thể cung cấp khoảng 70-80Kcal, đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng 1 bữa ăn phụ của trẻ em dưới 5 tuổi (tương đương với năng lượng của khoảng 1/2 bát cơm hay 2 quả chuối). Hơn nữa, cơ cấu năng lượng trung bình của sữa chua khá cân đối, với tỷ lệ năng lượng của 3 chất P:L:G là 17:23:60. So với nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt nam, NXB Y học, 2012) về tính cân đối năng lượng cho trẻ em đến 9 tuổi là 15:30:55 thì rõ ràng sữa chua là một sản phẩm tốt cho sự phát triển của trẻ.
Ảnh minh họa
Trong nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, phải luôn nhớ rằng, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ trong năm đầu. Sữa mẹ cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, phù hợp nhất với yêu cầu phát triển của trẻ trong 6 tháng đầu. Nuôi con bằng sữa mẹ thuận tiện, ít tốn kém, bảo đảm an toàn. Sữa mẹ còn có kháng thể giúp trẻ tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Nuôi con bằng sữa mẹ còn tăng gắn bó tình cảm mẹ con và có lợi cho sức khoẻ người mẹ, giảm nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: Cho trẻ sơ sinh bú mẹ ngay trong giờ đầu sau khi sinh; Cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu tức là từ lúc sinh ra đến tròn 180 ngày; Từ sau tháng thứ 6 bắt đầu cho ăn sam/ăn bổ sung hợp lý; Tiếp tục cho bú mẹ đến 18-24 tháng. Sau 24 tháng, cho ăn cơm chung với gia đình nhưng phải có khẩu phần ưu tiên riêng và phải có thêm 2 bữa phụ. Chú ý tạo cho trẻ thói quen ăn nhạt, vệ sinh ăn uống và nhất là ăn hỗn hợp tất cả các loại thực phẩm, trong đó tăng sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa. Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn. Trẻ em trên 3 tuổi vẫn có rất nhiều nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Do đang tuổi lớn và phát triển, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của trẻ rất cao. Cho nên cần quan tâm chăm sóc và nuôi dưỡng, đảm bảo cho trẻ được ăn nhiều năng lượng và nhiều các chất xây dựng cơ thể như đạm, chất khoáng. Ăn uống tốt giúp cho trẻ lớn, phát triển và hoạt động bình thường cho tới lúc trưởng thành. Đối với trẻ ốm phải cố gắng dỗ cho trẻ ăn, mặc dù trẻ không thấy thèm ăn và ăn không ngon miệng, do đó cần chế biến cho trẻ ốm các món ăn dễ tiêu hoá dưới dạng cháo, súp, sữa/sản phẩm của sữa và nước quả... những món mà trẻ vẫn ưa thích. Chú ý sau khi ốm, trẻ thường ăn trả bữa, cần phải cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường, để trẻ hồi phục nhanh và đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng. Tuổi thiếu niên, trẻ phát triển nhanh nhất là giai đoạn dậy thì, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng đều cao, đặc biệt là vitamin và chất khoáng như sắt, calci, vitamin A, C và D. Nhu cầu năng lượng và chất đạm rất cần thiết phải được đáp ứng để trẻ lớn và phát triển bình thường. Cần quan tâm đặc biệt tới các trẻ em gái. Các em có nhu cầu được nuôi dưỡng tốt để phát triển trong hiện tại và cũng để chuẩn bị làm mẹ. Thiếu calci và thiếu máu là những vấn đề thường gặp, do đó, đối với tuổi bắt đầu thấy kinh phải tăng cường calci và sắt trong khẩu phần ăn.
Như vậy, để bổ sung năng lượng cho trẻ phát triển, ngay từ giai đoạn 7 tháng trở lên có thể bắt đầu cho trẻ ăn sữa chua. Thêm vào đó, các thành phần đạm, béo trong sữa chua đã được tiêu hóa một phần, nên dễ tiêu hóa, hấp thu. Vì là một sản phẩm của sữa tươi, nên sữa chua cũng chứa các thành phần dinh dưỡng khác như trong sữa tươi (khá giàu canxi và vitamin); Một số loại còn được bổ sung thêm DHA (chất béo không no nhiều nhánh) giúp cải thiện phát triển trí tuệ. Trong sữa chua, thành phần đường lactoza đã được lên men dễ hấp thu, làm giảm lượng đường tồn đọng lại ở hệ tiêu hóa tránh được tiêu chảy, giúp cơ thể hấp thu canxi và một số khoáng chất khác dễ dàng hơn. Ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng, sữa chua còn có khả năng ngăn ngừa một số bệnh đường ruột, bổ sung thêm axit cho dịch dạ dày, kích thích cảm giác thèm ăn, thúc đẩy nhu động ruột, giúp ăn ngon miệng, ăn nhiều hơn, tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn, phòng chống được chứng táo bón. Vì vậy, sữa chua rất phù hợp với trẻ em, nhất là đối với những trẻ biếng ăn. Nên chọn loại sữa chua nguyên kem cho trẻ là tốt nhất, vì trẻ cần nhiều chất béo để cung cấp năng lượng đề phòng suy dinh dưỡng và phát triển đầy đủ. Tùy theo độ tuổi mà cho trẻ ăn số lượng sữa chua khác nhau: trẻ 7 - 10 tháng tuổi: 50-60g/ngày; 1 - 2 tuổi: 80g/ngày và trên 2 tuổi: khoảng 100g/ngày. Trẻ lớn hơn, tùy theo tuổi có thể dùng 1-2 hộp sữa chua thay thế cho một bữa phụ/ngày.