1. Còi xương là gì?
Còi xương là một tình trạng thường phát triển ở trẻ ở độ tuổi từ 3-18 tháng, khi xương bị thiếu canxi hoặc không hấp thụ được đủ canxi do thiếu vitamin D dẫn đến không đủ vững chắc.
Khi trẻ lớn dần, xương cũng sẽ phát triển một cách tương thích. Trong quá trình đó, xương sẽ cần các khoáng chất quan trọng như canxi và phốt pho để tạo nên độ vững chắc của nó. Để hấp thụ được lượng khoáng chất này, vitamin D là yếu tố rất cần thiết. Vitamin D giúp cơ thể sử dụng lượng canxi một cách hợp lý vào những nơi cần đặc biệt là xương và răng. Nếu trẻ bị thiếu canxi, hay vitamin D hay cả hai thì xương sẽ không đạt được độ vững chắc cần thiết dẫn đến còi xương. Khi trẻ càng phát triển, trọng lượng cơ thế càng tăng lên sẽ càng tạo áp lực lớn lên hệ xương, làm cho nó dễ bị cong hoặc biến dạng. Những trẻ rơi vào tình trạng này cũng rất dễ bị gãy xương.
Ngoài ra, trẻ bị còi xương còn dễ bị nhiễm trùng, viêm dạ dày hay đường ruột. Những bệnh này có thể trở nên rất nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Còi xương là tình trạng thường gặp ở trẻ trong độ tuổi 3-18 tháng. Ảnh Internet
2. Mối liên hệ giữa thiếu vitamin D và tình trạng còi xương
Mối liên hệ giữa thiếu Vitamin D và tình trạng còi xương là khá rõ ràng và đã được biết đến nhiều năm trước đây.
Vitamin giúp cơ thể hấp thu canxi và phốt pho từ ruột giúp làm vững chắc xương. Nếu thiếu vitamin D , cơ thể phải huy động canxi từ xương để tham gia các quá trình chuyển hóa, làm cho xương bị mềm, yếu đi dễ dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ.
Thiếu vitamin D và tình trạng còi xương có mối liên hệ mật thiết. Ảnh Internet
3. Đối tượng nào dễ thiếu vitamin D dẫn đến còi xương
Một số đối tượng trẻ nhỏ thường bị thiếu vitamin D nhất gồm:
- Trẻ có màu da tối
- Trẻ bú sữa mẹ
- Trẻ không được hoặc ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nguy cơ còi xương cao. Ảnh Internet
4. Bổ sung vitamin D như thế nào để giúp trẻ phòng tránh bệnh còi xương
Vitamin D có chứa trong một số thực phẩm như cá biển (cá ngừ, cá mòi, cá kiếm…), lòng đỏ trứng, thịt bò, gan, sữa, yaourt, nước cam… và phần lớn được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời.
Để giúp trẻ tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời, trẻ nên được phơi nắng vào khung giờ từ 10 h sáng đến 3 h chiều (thời điểm ánh nắng mặt trời đủ lượng tia UV(B) để giúp da tổng hợp vitamin D). Trẻ được phơi nắng liên tục 15-30 phút trong khung giờ này mới tạo đủ 1000 IU vitamin D. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian nắng gắt và ngoài giúp tổng hợp vitamin D, nếu phơi nắng trong thời gian dài có thể dẫn đến ung thư da.
Lượng vitamin D trong thức ăn hằng ngày cũng thường không đủ cho nhu cầu của cơ thể vì hàm lượng khá thấp. Vì vậy, nếu không được phơi nắng đủ thì trẻ nên được bổ sung vitamin D bằng dạng uống hoặc xịt hằng ngày.
Bổ sung cho trẻ thực phẩm giàu vitamin D để phòng tránh còi xương. Ảnh Internet
Theo Viện Hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) thì lượng vitamin D được khuyến cáo bổ sung cho trẻ như sau:
- Trẻ dưới 1 tuổi: 400 IU/ ngày
- Trẻ trên 1 tuổi: 600 IU/ ngày
Hướng dẫn tại Canada như sau:
- Lượng vitamin D nên bổ sung cho trẻ: 400 IU/ ngày
- Lượng vitamin D nên bổ sung cho trẻ sống ở khu vực phía bắc trong mùa đông: 800 IU/ ngày
Viện dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam khuyến cáo bổ sung vitamin D cho trẻ em Việt Nam như sau:
- Trẻ dưới 1 tuổi: 400 IU/ ngày
- Trẻ trên 1 tuổi: 600 IU/ ngày
Tùy từng độ tuổi cha mẹ nên bổ sung vitamin D cho trẻ với lượng phù hợp. Ảnh Internet
Để việc bổ sung vitamin hoặc khoáng chất nói chung hay vitamin D và canxi nói riêng cho trẻ được chính xác và phù hợp, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc chuyên gia trước. Nhờ vậy, bạn sẽ loại bỏ được những vấn đề có thể xảy ra với trẻ (như tình trạng dị ứng do cơ địa, hay không phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như giúp cơ thể trẻ được bổ sung chất một cách hiệu quả nhất.
Qua những thông tin trên, hy vọng có thể giúp các cha mẹ giải đáp được lý do tại sao thiếu vitamin D lại gây còi xương ở trẻ. Từ đó, các cha mẹ sẽ có phương án áp dụng phù hợp với con mình. Điều quan trọng là giúp trẻ hấp thụ được đủ các chất cần thiết cho quá trình phát triển, hơn là quá chú trọng vào việc bổ sung một chất nào đó. Vì việc quá tập trung vào 1 chất sẽ dễ dẫn đến dư thừa lượng chất đó, làm cho các cơ quan trong cơ thể trẻ phải làm việc quá mức, gây ảnh hưởng tới chức năng lâu dài của chúng.