Gluxit là chất cung cấp năng lượng chủ yếu cho bữa ăn của trẻ: 1g gluxit cung cấp 4,1 kcal nhưng giá thành lại rất rẻ.
Đối với trẻ em, nhu cầu gluxit tương đối cao. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, tỷ lệ gluxit chiếm từ 50 – 60% năng lượng (nếu tính trong 3 chất: đạm, béo, ngọt).
Nếu thiếu gluxit (thiếu chất ngọt) có thể trẻ rất dễ sinh chứng hạ đường huyết, ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiêu hoá, hấp thụ các chất dinh dưỡng khác. Vì thế trẻ ngày càng gầy yếu, mệt mỏi và chậm lớn hơn. Cho nên các bà mẹ phải luôn chú ý cung cấp đầy đủ lượng gluxit trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Cung cấp và bổ sung gluxit.
Gluxit có trong mía, củ cải đường, mật, bánh, kẹo các loại ngũ cốc như: gạo, ngô, kê, bột mỳ, bột ngọt, các loại .khoai, bột khoai, mì sợi, miến… Các loại hoa quả tươi.
Ví dụ: Trong ngũ cốc khô nói chung có chứa: Gluxit : 70 – 80g/100g Protein : 6 – 11,5g/100g và một số loại vitamin khác.
Trong 100g gạo cung cấp 350kcal.
Chính vì vậy, trẻ càng lớn càng cần cho ăn nhiều. Gạo cung cấp 80% năng lượng, 3/4 chất protein và hầu hết các chất canxi, photpho, sắt B1, B2, PP… Cần chú ý cho trẻ ăn cơm bằng gạo mới là tốt nhất. Nếu trẻ được ăn no với lương thực là gạo, ngô, khoai… tức là trẻ đã đủ nhu cầu về gluxit.
Tóm lại, gluxit là nguồn năng lượng rẻ nhất. Khi đã được cung cấp đủ lượng gluxit, có thể trẻ sẽ có đủ năng lượng, tạo đà tốt cho sự phát triển của cơ thể.