Thiếu sắt ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ. Đã đến lúc mẹ cần thay đổi thói quen dinh dưỡng, tăng cường các thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày để trẻ phát triển toàn diện.
Sắt là một trong những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ em. Thế nhưng, theo khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em khu vực Đông Nam Á (SEANUTS), có đến 88% trẻ em ở thành thị không được cung cấp đủ chất sắt từ bữa ăn, ở nông thôn tỉ lệ này lên đến 94%.
Thiếu sắt ảnh hưởng đến phát triển tâm vận động lâu dài
PGS. TS Lê Bạch Mai - Phó Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, sắt là vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng để tổng hợp nên Hemoglobin - thành phần thiết yếu cho thực hiện chức năng của hồng cầu. Thiếu sắt gây bệnh thiếu máu dinh dưỡng và các rối loạn do thiếu sắt, làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa và tử vong đối với bà mẹ mang thai, giảm khả năng lao động, làm chậm phát triển nhận thức, tâm vận động, giảm phát triển trí tuệ ở trẻ em.. Sắt trong hemoglobin và myoglobin còn giúp vận chuyển oxy trong máu, đồng thời giúp dự trữ oxy cho cơ thể. Do đó, thiếu sắt làm cho cơ thể hoạt động không hiệu quả, mau mệt mỏi, kém tập trung, giảm trí nhớ ...
Ở trẻ em, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt gây hậu quả nghiêm trọng hơn vì những thiếu hụt ở giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lâu dài. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thiếu sắt ở giai đoạn sớm sẽ ảnh hưởng đến chỉ số phát triển tâm vận động và trí tuệ của trẻ về sau.
Thiếu sắt gây ảnh hưởng khả năng tập trung của trẻ
Từ 2 -6 tuổi, trẻ cần khoảng 5,8 - 6,3mg sắt/ngày và nhu cầu tăng lên 8,9mg/ngày ở trẻ 7-9 tuổi đối với khẩu phần có giá trị sinh học sắt ở mức cao. Vì vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu sắt khuyến nghị cho trẻ một cách an toàn, mẹ cần đưa các loại thực phẩm giàu chất sắt, thực phẩm được tăng cường sắt vào thực đơn dinh dưỡng hằng ngày cho con.
Lựa chọn các loại thực phẩm giàu chất sắt và thực phẩm được tăng cường sắt cho bữa ăn hằng ngày
Để cung cấp đủ chất sắt cho trẻ, mẹ cần lựa chọn các loại thực phẩm giàu sắt và thực phẩm được tăng cường sắt trong chế biến bữa ăn hằng ngày của trẻ.
- Các loại thức ăn động vật như thịt bò, thịt lợn, lòng đỏ trứng... có hàm lượng sắt khá cao, dễ hấp thu, đó là nguồn thực phẩm chứa sắt có giá trị sinh học cao cho thực đơn của trẻ.
- Các loại rau lá màu xanh đậm như rau ngót, rau dền, mồng tơi, rau muống; các loại quả như bưởi, cam, dâu, đu đủ, dưa đỏ, xoài... giàu vitamin C sẽ hỗ trợ cho sắt được hấp thu thuận lợi hơn và cũng là thành phần tham gia tạo máu.
- Các loại hạt ngũ cốc, đậu đỗ... cũng chứa nhiều sắt. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ hấp thu sắt từ các thực phẩm này thấp hơn so với sắt từ nguồn thức ăn động vật. Mặt khác, trong đậu đỗ còn chứa nhiều phytat làm giảm hấp thu sắt.
Mẹ nên lựa chọn những thực phẩm có hàm lượng sắt cao cho bữa ăn của trẻ
- Một trong những thực phẩm bổ sung sắt và vi chất dinh dưỡng rất tốt đối với trẻ em sau khi đã cai sữa là các loại sữa công thức. Các thực phẩm bổ sung này được tăng cường đủ và cân bằng hàm lượng các vi chất dinh dưỡng dựa trên nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho từng độ tuổi , lại dễ hấp thu và có vị thơm ngon phù hợp với khẩu vị của các bé. Cho bé uống sữa có tăng cường sắt mỗi ngày để góp phần cung cấp đủ chất sắt là cách mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện trong những năm tháng quan trọng nhất của cuộc đời.
Theo SK&ĐS