Nghiên cứu trên 1.526 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở 19 tỉnh của Việt Nam năm 2010 cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 67,2%. Kết quả nghiên cứu ở 521 phụ nữ có thai và 947 trẻ em dưới 5 tuổi tại một số tỉnh khó khăn của Việt Nam năm 2009 cho thấy, tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 90%, trẻ em dưới 5 tuổi là 81,2%.
Hiện nay, thiếu kẽm ở trẻ em và bà mẹ là một nguy cơ rất phổ biến và là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Khi thiếu kẽm, không có triệu chứng rõ rệt, nhưng có ảnh hưởng ngay đến sự tăng trưởng và sự chuyển hóa. Dấu hiệu lâm sàng thiếu kẽ mỗi trẻ sẽ có những biểu hiện riêng:
- Rối loạn giấc ngủ và hành vi (trằn trọc, khó ngủ, thức giấc, ngủ ít)
- Rụng tóc, tóc nhiều gàu, rụng lông
- Chậm lành vết thương (vết bỏng, vết loét), viêm lưỡi
- Tiêu chảy mạn tính
- Các bệnh lý về da như eczema, bệnh vẩy nến, mụn trứng cá
- Chậm lớn, còi cọc
- Móng giòn, yếu, dễ gãy, móng lâu mọc
- Có đốm trắng ở lòng móng, móng có đường sọc
- Dễ bị dị ứng
- Viêm da móng
- Chán ăn, ăn không ngon, mất cảm giác về mùi vị món ăn
- Da khô, tổn thương da và niêm mạc
- Thiếu máu
- Giảm khả năng phát dục và khả năng sinh sản
1. Đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm
- Trẻ em bị suy dinh dưỡng, đặc biệt suy dinh dưỡng thể thấp còi, trẻ đẻ non, trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng…
- Phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú.
- Người nghiện rượu bia, người ăn chay. Những người bị rối loạn tiêu hóa giảm hấp thu (viêm ruột, loét miệng, viêm đại tràng, bệnh Crohn). Bệnh thận mãn tính, thiểu năng tuyến tuỵ, tiểu đường…
2. Vai trò của kẽm trong cơ thể
-
Kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, trong cơ thể người ta thấy hơn 300 enzyme có kẽm tham gia. Lượng kẽm trong cơ thể khoảng 2-3g
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng cần thiết, có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ. Kẽm tham gia vào hoạt động của các enzym, phân chia tế bào và phát triển cơ thể, tham gia vào chức năng miễn dịch, điều hoà vi giác, cảm giác ngon miệng.
- Tăng trưởng và sinh sản
- Miễn dịch
- Phát triển hệ thống thần kinh trung ương
3.Giải pháp phòng chống thiếu thiếu Kẽm ở trẻ em và bà mẹ
- Nên ăn uống đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, khuyến khích sử dụng các thực phẩm giàu kẽm gồm: Các thức ăn từ động vật như hàu, cua bể, thịt bò, tôm, thịt, cá. Các thức ăn này không chứa chất ức chế hấp thu kẽm (và sắt).
- Thay đổi những thói quen ăn uống có lợi cho hấp thu kẽm: tăng cường sử dụng thực phẩm có nhiều vitamin C như rau xanh, hoa quả. Hướng dẫn và khuyến khích các cách chế biến như nảy mầm (giá đỗ), lên men (dưa chua…) vì các quá trình này làm tăng hàm lượng vitamin C và giảm axit phytic trong thực phẩm do vậy làm tăng hấp thu sắt/ kẽm từ khẩu phần. Thay đổi một số thói quen ăn uống có thể làm tăng hấp thu kẽm từ khẩu phần như uống nước chè 1-2 giờ sau ăn.
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Tỷ lệ hấp thu kẽm từ sữ mẹ xấp xỉ 54%. Bà mẹ cho con bú trong vòng nửa giờ đầu sau khi sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú tới 24 tháng.
- Dự phòng và điều trị bệnh liên quan tới thiếu kẽm: Nhiễm khuẩn kéo dài như tiêu chảy, nhiễm giun, bệnh viêm tuỵ, viêm thận…). Phòng chống nhiễm ký sinh trùng đường ruột.
- Tại cơ sở y tế: Dự phòng và điều trị thiếu kẽm bằng đường uống.
4. Dự phòng thiếu kẽm
- Kẽm không phải là thuốc bổ sung tùy tiện, không nên tự ý bổ sung khi chưa có ý kiến bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng
- Liều lượng: Liều bổ sung dự phòng thiếu kẽm tương ứng với nhu cầu sinh lý hàng ngày.
- Trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi: 5mg kẽm nguyên tố/ngày.
- Trẻ từ 4-13 tuổi: 10mg kẽm nguyên tố/ngày.
- Người lớn: 15mg kẽm nguyên tố/ngày.
- Phụ nữ có thai 15 – 25mg kẽm nguyên tố/ngày.
Liệu trình có thể dùng theo từng đợt từ vài tuần đến vài tháng, đặc biệt cho trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, trẻ bú mẹ nhân tạo, trẻ đẻ non nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai, phụ nữ mang thai, cho con bú.