Biếng ăn, kén ăn có thể khiến bé thiếu hụt chất dinh dưỡng, dẫn đến còi cọc, kém phát triển. Trẻ từ chối ăn, có nên ép bé ăn?
Biếng ăn, kén ăn có thể khiến bé thiếu hụt chất dinh dưỡng
Có vấn đề gì với trẻ?
Không có gì ngạc nhiên khi trẻ nhỏ cương quyết về những gì bé sẽ - và sẽ không - ăn. Trẻ có thể chỉ ăn một hoặc hai loại thực phẩm ưa thích trong nhiều tuần, sau đó đột nhiên đổi ý và muốn cái gì đó hoàn toàn khác. Đừng lo lắng. Điều này rất phổ biến ở trẻ nhỏ, trẻ mới biết đi.
Bạn có thể làm gì?
Bạn nên nói về bữa ăn để khuyến khích chuyện ăn uống của trẻ (như nói về những bữa ăn bình thường và những lựa chọn thực phẩm lành mạnh). Bác sỹ nhi William Sears - tác giả của 23 cuốn sách về chăm sóc trẻ nhỏ, cho biết, ăn những gì và ăn bao nhiêu là quyết định của trẻ. Bác sỹ Sears nói rằng: "Một ngày trẻ có thể ăn rất tốt và không ăn gì trong những ngày kế tiếp".
Trẻ biếng ăn, kén ăn: Phải làm gì để bé ăn uống tốt hơn?
Thay vì lo lắng khi thấy trẻ biếng ăn, kén ăn, từ chối tất cả mọi thứ bạn đặt trước mặt trẻ trong ngày hôm nay, hãy xem xét những gì mà bé đã ăn trong suốt 1 tuần. Cha mẹ có thể ngạc nhiên khi thấy lượng thức ăn mà trẻ ăn khá cân bằng.
Nếu con của bạn đang phát triển và tăng cân đều, bạn nên yên tâm và có thể tự tin rằng trẻ đang ăn đủ nhu cầu. Nếu bạn muốn, hãy yêu cầu bác sỹ cho bạn xem biểu đồ tăng trưởng của bé.
Dưới đây là một số mẹo giúp bé ăn uống tốt hơn:
- Đưa cho trẻ nhiều loại thực phẩm lành mạnh để bé tự quyết định thức ăn mà mình muốn.
- Đừng đe dọa hoặc mặc cả với bé, như: Ăn xong con sẽ được ăn bánh, hoặc Không được đọc truyện nếu con không ăn đậu Hà Lan. Nếu bạn muốn bé ăn uống lành mạnh, hãy giữ cho không khí bữa ăn vui vẻ, và không sử dụng đồ ngọt như là một phần thưởng.
- Hãy cho trẻ ăn cùng gia đình bất cứ khi nào có thể. Khi trẻ nhỏ thấy bố mẹ hoặc anh chị em của bé ăn những thực phẩm lành mạnh, có nhiều khả năng bé cũng muốn ăn theo.
- Đừng mang món gì đó ra khỏi thực đơn nếu trẻ không thích. Trẻ em thường khó chấp nhận món mới và kết cấu của món ăn, vì vậy nếu lần đầu tiên bé từ chối đậu xanh, hãy thử đưa cho bé món này vào tuần sau.
Bé có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên và quyết định thức ăn ưa thích mới của bé. Mặc dù bạn có thể phải đưa món đó nhiều lần trước khi bé ăn.
- Đừng quên tính xem bé đã uống bao nhiêu sữa hay nước trái cây trong ngày. Uống quá nhiều sữa hoặc nước trái cây có thể làm giảm sự thèm ăn. Do đó, bạn chỉ nên cho trẻ uống sữa giữa các bữa ăn và hạn chế nước trái cây không quá 1/2 ly mỗi ngày. Sữa và nước ép trái cây nguyên chất có thể cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng (mặc dù nước ép có quá nhiều đường, ít chất xơ và một số chất dinh dưỡng có trong trái cây).
- Không cho trẻ ăn kẹo và thức ăn vặt. Cơ thể đang tăng trưởng của trẻ cần các chất dinh dưỡng từ những thực phẩm lành mạnh, chứ không phải là "calo rỗng" (empty calories).
Có nên bổ sung vitamin cho trẻ không?
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng không cần thiết phải bổ sung vitamin tổng hợp hàng ngày cho trẻ nếu trẻ đã ăn uống đầy đủ. Nhưng nếu trẻ không ăn nhiều thịt, cá, ngũ cốc bổ sung sắt hoặc rau xanh đậm, trẻ có thể cần bổ sung sắt. Cách tốt nhất để biết liệu con bạn có cần bổ sung vitamin tổng hợp hàng ngày hay không và loại vitamin nào cần cho bé, là hãy hỏi ý kiến bác sỹ.
Trẻ nhỏ cần được bổ sung vitamin D. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ calci và phospho để tạo xương. Kem chống nắng có thể ảnh hưởng đến việc tổng hợp vitamin D của cơ thể và rất khó để hấp thụ từ sữa. Do đó, các bác sỹ khuyến cáo nên cho trẻ nhỏ bổ sung 400 đơn vị quốc tế (IUs) vitamin D mỗi ngày.
Hầu hết các loại vitamin tổng hợp đều có chứa vitamin D. Nếu bác sỹ khuyên bạn nên bổ sung cho bé một loại vitamin tổng hợp nào đó, thì thông thường bé không cần bổ sung thêm vitamin D nữa.