Bên cạnh việc ăn uống hợp lý thì mỗi ngày trẻ phải được hoạt động thể lực 60 phút chia làm 2-3 lần đều đặn, bền bỉ thì mới có thể giúp con phòng thừa cân, béo phì.
Theo các báo cáo mới đây của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hành vi ăn uống của hầu hết tất cả mọi người, tuy nhiên, những thay đổi này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.Đại dịch là nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ người thừa cân béo phì, đặc biệt là trẻ em
Theo đó, trong một phân tích của CDC Hoa Kỳ cho thấy tình trạng tăng tiêu thụ đồ ăn nhanh và đồ tráng miệng không có lợi cho sức khỏe, bao gồm khoai tây chiên, bánh quy và kem, đồng thời thưởng thức nhiều đồ uống có đường hơn như cà phê và trà có đường, nước giải khát có ga và đồ uống tăng cường năng lượng trong đại dịch đã tăng lên đáng kể.
Đáng lưu ý, có tới gần 30% trong số 433 phụ huynh, trong khảo sát do các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) tiến hành, cho biết con của họ đã tăng trung bình 4,3 kg trong thời gian từ tháng 5/2000 đến tháng 9/2020.
Cha mẹ của trẻ từ 5 đến 18 tuổi đã được phỏng vấn trước đại dịch và phỏng vấn lại vào tháng 5 và tháng 9 năm 2020 về những lo ngại của họ liên quan đến cân nặng của con họ.
Kết quả cho thấy, các gia đình có con tăng cân trong khoảng thời gian đó đều lo ngại về tình trạng này và đều cố gắng theo dõi và hạn chế thói quen ăn uống của trẻ trong cả tháng 5/2020 và tháng 9/2020.
Tuy nhiên, ở những gia đình có trẻ không bị tăng cân, ban đầu phụ huynh quan tâm và theo dõi lượng ăn của trẻ trong tháng 5/2020 nhưng ngừng theo dõi vào tháng 9/2020.
Trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, trong khu vực và ngay tại nước ta mà điểm nóng là ở TP Hồ Chí Minh là những vấn đề gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người dân.
ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia đánh giá, dịch bệnh không chỉ gây nguy hiểm đến sức khoẻ mà còn là nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ người thừa cân béo phì, đặc biệt là trẻ em.
Do đó, ngoài chế độ dinh dưỡng theo BS Tiến, tăng cường hoạt động thể lực tại nhà là giải pháp hữu hiệu phòng thừa cân béo phì.
"Khi ở nhà, thì môi trường, điều kiện, thời gian,... để các cháu thực hiện và duy trì hoạt động thể lực bị ảnh hưởng, đó là nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì.
Lối sống tĩnh tại, ít vận động và hoạt động thể lực, lối sống này càng được phát huy hơn khi các cháu ở nhà, thời gian ngồi xem ti vi, chơi điện tử và ngủ nhiều.
Trẻ ít vận động do không gian trật trội, thiếu trang thiết bị dụng cụ, thiếu bạn bè - nguồn động lực để ganh đua,...
Trong khi đó, gia đình lại có nhiều đồ ăn dự trữ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu tính ăn vặt, thích là ăn. Các thức ăn vặt là những đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh như: bánh kẹo ngọt, bim bim, xúc xích,... các loại nước ngọt lại chứa rất nhiều năng lượng, chất béo, đường sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ, đặc biệt dễ gây thừa cân - béo phì", BS Tiến chỉ rõ.
Cho trẻ tập thể dục ít nhất 60 phút/ngày
Theo các chuyên gia, tác hại của thừa cân - béo phì ở trẻ em rất đáng quan tâm vì trẻ em là một cơ thể đang phát triển. Nguy cơ đầu tiên của béo phì trẻ em là khi đến tuổi trưởng thành, trẻ dễ mắc các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,...
Ngoài nguy cơ về sức khỏe thể chất, trẻ em béo phì còn bị tác động tới tâm lý. Với ngoại hình đặc biệt, trẻ béo phì chậm chạp, mặc cảm tự ti, ngại giao tiếp xã hội, dễ bị trêu chọc, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, làm giảm sút hiệu quả học tập, lao động và chất lượng cuộc sống.
"Tăng cường hoạt động thể lực giúp trẻ phát triển chiều cao, duy trì sức khoẻ tốt, giúp tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo, giảm thừa cân, béo phì.
Với trẻ lớn khuyến khích lối sống tích cực, hạn chế lối sống tĩnh tại, thì phụ huynh cần cổ vũ, động viên, tìm hiểu sở thích của trẻ. Những hoạt động thể lực phù hợp theo lứa tuổi, duy trì đều đặn mỗi ngày và thường xuyên thay đổi giúp cho cơ thể phát triển khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ và sảng khoái.
Theo đó, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia các công việc nhà: quét dọn, lau dọn bàn ghế, sắp xếp đồ đạc, lau nhà, nấu ăn, rửa bát,... chơi các môn thể dục thể thao trong nhà: đi bộ, nhảy dây, lắc vòng, tập xà đơn, chống đẩy,...", BS Tiến bày tỏ.
Ông cũng nhấn mạnh, việc vận động thường xuyên giúp trẻ phát triển cả về thể chất, trí tuệ, nâng cao tầm vóc, kiểm soát và duy trì cân nặng, hạn chế bệnh thừa cân béo phì và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên cũng làm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như: tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,...
Việc tập luyện thể dục đúng cách còn giúp giấc ngủ đến nhanh và sâu hơn, đặc biệt là với những trẻ ngủ không ngon giấc.
BS Tiến cũng lưu ý, khi hoạt động thể lực phải phù hợp theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe, không nên quá sức. Bình thường sau 20-30 phút hoạt động thể lực, cơ thể sẽ cảm thấy sảng khoái và khỏe mạnh. Ngược lại, nếu sau thời gian trên mà cơ thể mệt mỏi, uể oải điều này chứng tỏ đã hoạt động quá sức. Trước khi tập thể dục, không được ăn no, không uống nhiều nước và cần khởi động cơ thể từ 5-10 phút.
"Thời điểm thể dục tùy theo mùa, thời tiết, bình thường buổi sáng khoảng từ 7h -10h, buổi chiều từ 15-17h, khi hoạt động thể lực làm mồ hôi tiết ra kéo theo chất độc trong cơ thể thải ra và nó tỷ lệ thuận với lượng mồ hôi.
Hoạt động ít nhất từ 30-60 phút chia làm 2-3 lần/ngày, ít nhất 150 phút/tuần, không nên vận động thời gian quá dài và quá sức", BS Tiến nhấn mạnh.