I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Kiến thức
- Trẻ nhớ tên bài thơ và hiểu nội dung bài thơ.
- Biết được cây đào thường nở hoa vào dịp nào? Và có ở đâu? Màu sắc của hoa đào?
2. Kỹ năng
- Trẻ thuộc thơ và biết đọc diễn cảm bài thơ.
- Rèn kỹ năng đọc thơ cho trẻ.
- Phát triển vốn từ cho trẻ, trẻ đọc thơ rõ ràng, mạch lạc
3. Thái độ
- Biết bảo vệ, chăm sóc cây để cho môi trường xanh - sạch - đẹp.
- Trẻ yêu quý và trân trọng những truyền thống của đất nước.
II. CHUẨN BỊ
- Tranh minh họa bài thơ “Cây đào”.
- Nhạc bài hát “Sắp đến tết rồi”, “Mùa xuân”
- Mô hình vườn hoa, cây đào
III. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
1. Ổn định tổ chức, gây hứng thú
- Xin chào mừng các bé đến với hội thi “Bé yêu thơ” của lớp 3 tuổi B ngày hôm nay. Đến với hội thi hôm nay có sự góp mặt của 3 đội chơi:
+ Đội Hoa Đào
+ Đội Hoa Mai
+ Đội Hoa Cúc
Xin hội thi nổ 1 tràng pháo tay thật to để chào mừng các đội chơi của chúng ta
Hội thi có 3 phần:
+ Phần 1: Đồng diễn
+ Phần 2: Hiểu biết
+ Phần 3: Tài năng của bé
- Chúng ta cùng bước vào phần thi thứ nhất có tên: Đồng diễn
- Cô và trẻ hát bài “Mùa xuân”
+ Các con vừa hát bài hát gì?
+ Bài hát nhắc đến mùa gì?
+ Có những loài hoa nào thường nở khi mùa xuân đến?
+ Các con có yêu quý các loài hoa không?
+ Vậy chúng ta cần phải làm gì?
- Cô giáo dục: Các con phải biết chăm sóc cây, không hái hoa bẻ cành,các con nhớ chưa nào
- Có một bài thơ rất hay nói lên vẻ đẹp của hoa đào mỗi khi tết đến, xuân về. Đó là bài thơ “Cây đào” do cô Trần Thị Ngọc Trâm sưu tầm. Để biết bài thơ nào như thế nào cô mời các đội về vị trí của mình lắng nghe cô đọc bài thơ thì sẽ rõ nhé!
2. Nội dung chính:
- Cô đọc thơ lần 1diễn cảm kết hợp cử chỉ điệu bộ
Cô vừa đọc cho các con nghe bài thơ “Cây đào” do cô Trần Thị Ngọc Trâm sưu tầm, để hiểu rõ hơn các con chú ý lắng nghe cô đọc kết hợp với hình ảnh nhé.
- Cô đọc lần 2: Kết hợp hình ảnh minh họa.
* Giúp trẻ hiểu tác phẩm
- Và bây giờ chúng ta cùng bước vào phần thi thứ 2 được mang tên “Hiểu biết”
Ở phần thi này cô sẽ là người đọc câu hỏi, các đội trả lời bằng cách giơ tay, đội nào có bạn trả lời đúng đội đó sẽ được thưởng 1 tràng pháo tay của các đội còn lại. Chúng mình đã rõ chưa?
- Cô vừa đọc bài thơ gì? (Cây đào)
- Cây đào mọc ở đâu?
- Tác giả đã miêu tả cây đào như thế nào?
“Cây đào đầu xóm
Lốm đốm nụ hồng”
- Lốm đốm nụ hồng là như thế nào?
* Giảng giải: "Lốm đốm nụ hồng" nghĩa là trên cây đào bắt đầu xuất hiện những nụ hoa màu hồng thì gọi là "Lốm đốm nụ hồng"
- Các bạn nhỏ nhìn cây đào và đã mong ước điều gì? (hoa đào mau nở)
“Chúng em chỉ mong
Mùa đào mau nở”
- Tác giả đã tả bông đào như thế nào?
- Cánh hoa đào có màu gì?
“Bông đào nho nhỏ
Cánh đào hồng tươi”
- Khi thấy hoa đào nở thì báo hiệu ngày gì sắp đến? (Ngày tết)
“Hễ thấy hoa cười
Đúng là tết đến”
- "Hoa cười" là như thế nào?
* Giảng giải: "Hoa cười" nghĩa là hoa đào nở. Tác giả ví những bông hoa đào nở như đang cười. Khi nào thấy hoa đào nở là ngày tết cổ truyền đã đến.
- Hoa đào nở vào mùa nào trong năm?
- Mỗi khi xuân về, tết đến lại có rất nhiều hoa đua nhau nở, hoa đào là hoa đặc trưng nở đúng vào dịp tết.
- Các con có thích hoa đào không?
- Để hoa đào mau nở để đón xuân, thì các con phải làm gì?
* Giáo dục: Các con nhớ chăm sóc, tưới nước cho cây hàng ngày, không ngắt hoa, bẻ cành khi đi chơi vườn hoa, công viên để cây cho chúng ta nhiều hoa đẹp nhé!
- Tết sắp đến rồi đấy, các con có thích tết không? Để không khí thêm vui hội thi chúng ta cùng hát bài “Sắp đến tết rồi nhé”
- Rất nhanh chóng các đội đã trải qua 2 phần thi rồi, và sau đây là phần thi cuối cùng được mang tên “Tài năng của bé”
* Trẻ đọc thơ
- Cô cho cả lớp đọc 2 - 3 lần.
- Cho trẻ thi đua theo tổ (3 tổ).
- Cho trẻ thi đua theo nhóm (2 - 3 nhóm)
- Cá nhân trẻ đọc thơ.
- Cho trẻ đọc thơ nối tiếp theo từng tổ( Theo hiệu lện của cô)
(Cô chú ý sửa sai cho trẻ)
- Các con ạ! Mùa xuân đã về, ngày tết cổ truyền của dân tộc sắp đến rồi. Các con có muốn đi thăm vườn hoa đào không? Vừa đi chúng mình vừa hát bài hát "Sắp đến tết rồi" nhé!
3. Kết thúc
- Cho trẻ đọc lại bài thơ “Cây đào”và ra sân trường chuyển hoạt động khác